Kinh tế

Sơ Pai nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Sơ Pai (huyện Kbang) hiện có 1.509 hộ với 5.892 nhân khẩu, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 35%. Trong những năm qua, xã Sơ Pai đã nỗ lực huy động nhiều nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí và mục tiêu phấn đấu trong năm 2018 sẽ trở thành xã nông thôn mới.

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất

Toàn xã Sơ Pai có 11.428,7 ha đất tự nhiên, trong đó đất lâm nghiệp 7.593 ha, đất sản xuất nông nghiệp 3.538 ha và đất phi nông nghiệp 297,7 ha. Là một xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã hiện chiếm 37,79%..

 

Ủy ban nhân dân xã Sơ Pai, huyện Kbang vừa đưa vào sử dụng 3.5 km đường giao thông liên thôn trị giá hơn 3 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho việc đi lại của bà con. Ảnh: Đ.T
Ủy ban nhân dân xã Sơ Pai, huyện Kbang vừa đưa vào sử dụng 3.5 km đường giao thông liên thôn trị giá hơn 3 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho việc đi lại của bà con. Ảnh: Đ.T

Những năm qua, huyện Kbang đã có chủ trương hỗ trợ máy móc, công cụ sản xuất cho người dân các xã để đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Tại xã Sơ Pai, trong 4 năm (2013-2016), huyện đã cấp cho 67 tổ sản xuất trên địa bàn xã 16 máy cày lớn, 3 máy cày tay nhỏ, 169 bình phun thuốc trừ sâu, 63 máy tưới cà phê, máy bơm điện các loại và 35 máy cắt cỏ, 28 máy đào bồn cà phê. Dự kiến trong năm 2017, chương trình sẽ chuyển từ hỗ trợ máy móc, công cụ sản xuất sang cấp giống vật nuôi như bò lai, heo, dê… với tổng kinh phí dự kiến khoảng 310 triệu đồng.

Ông Võ Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã Sơ Pai cho biết: Với đặc thù là xã thuần nông, sản xuất còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư các thiết bị máy móc để áp dụng vào sản xuất vẫn rất hạn chế. Chương trình đã hỗ trợ cho người dân rất kịp thời và cần thiết. “Xã đã thành lập các tổ sản xuất, mỗi tổ có 5-7 thành viên. Máy móc cấp về thường sẽ giao cho tổ trưởng tổ sản xuất quản lý và phân công các thành viên sử dụng. Việc hỗ trợ máy móc, công cụ lao động đã giúp người dân tiết kiệm được công sức và chi phí trong lao động, đồng thời nâng cao năng suất các loại cây trồng”-ông Thanh nhấn mạnh. Đến nay, toàn xã đã phát triển được 67 tổ sản xuất tại các thôn, làng.

Chỉ tính riêng năm 2016, nguồn vốn ngân sách nhà nước giải ngân về cho địa phương để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên 2,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 1,78 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 680 triệu đồng, ngân sách huyện 55 triệu đồng và vốn huy động nhân dân đóng góp 90 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, xã đã phân bổ thực hiện đầu tư một số lĩnh vực như: xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất... Riêng lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, xã thi công xong tuyến đường tại thôn 1 với chiều dài hơn 477 mét để người dân đi lại, vận chuyển nông sản. Tổng chi phí thi công đoạn đường này là 450 triệu đồng (vốn nhân dân đóng góp 90 triệu đồng, vốn trung ương 305 triệu đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 55 triệu đồng). Ngoài ra, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, xã tiến hành san gạt và đổ bê tông 372 mét đường đoạn từ ngã tư Bình Thường-Ngầm tràn Đak Lét...

Nhiều khó khăn

Đến nay, xã Sơ Pai đã có 12/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Một số tiêu chí chưa đạt gồm: giao thông, thủy lợi, trường học, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, môi trường... “Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 19,61%, trong đó khoảng 80% số hộ nghèo là hộ người Bahnar, việc xóa nghèo rất khó khăn. Về tiêu chí xây dựng hợp tác xã, trên địa bàn chưa có hợp tác xã nào, do vậy, mọi thứ phải tiến hành từ đầu. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của xã đạt 67%, so với mặt bằng chung của tỉnh là khá thấp, trong khi tiêu chí là trên 85%”-ông Võ Thanh chia sẻ.

Tuy nhiên, “áp lực lớn nhất với địa phương có lẽ là tiêu chí thu nhập. Vì là xã vùng II nên theo quy định, mức thu nhập bình quân phải đạt 30,7 triệu đồng/người/năm. Trong khi hiện tại, thu nhập bình quân trên địa bàn xã mới chỉ đạt 19,6 triệu đồng/người/năm”-ông Thanh chia sẻ.

Theo kế hoạch huy động nguồn lực năm 2017, tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước phân bổ cho địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới còn trên 1,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn trực tiếp hỗ trợ chương trình là 1,32 tỷ đồng, vốn huy động đóng góp là 186 triệu đồng. “Xã phấn đấu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công đường giao thông, cải tạo hệ thống kênh mương thủy lợi, nâng cấp trường học, cải thiện thu nhập cho người dân để từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân tham gia bảo hiểm y tế cũng như các chương trình khác, đầu tư xây dựng nghĩa trang xã, bãi rác thải tập trung để bảo đảm tiêu chí về môi trường”-ông Thanh cho biết thêm.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm