TN - Đất & Người

Sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để Tây Nguyên bứt phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tây Nguyên cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế và bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội.

Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc.

Sản xuất hoa công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh VĂN BẢO)

Ðể đạt được mục tiêu của nghị quyết, xây dựng Tây Nguyên từ vùng kém phát triển thành vùng kinh tế khá của cả nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân, cộng đồng doanh nghiệp ở Tây Nguyên đang tích cực tìm hiểu và triển khai.

Năm 2023, năm đầu các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, tốc độ tăng trưởng của các tỉnh đạt từ 7,6 đến hơn 12%, cao hơn rất nhiều so với mức 7 đến 7,5% mà Nghị quyết số 23 đề ra cho giai đoạn đến năm 2030.

Trong thời gian qua, Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, bất cập, còn nhiều khó khăn và thách thức. Năm 2023, năm đầu các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, tốc độ tăng trưởng của các tỉnh đạt từ 7,6 đến hơn 12%, cao hơn rất nhiều so với mức 7 đến 7,5% mà Nghị quyết số 23 đề ra cho giai đoạn đến năm 2030.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, tốc độ tăng GRDP của vùng chỉ đạt 4,6%, chưa đạt mức bình quân mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030; GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong sáu vùng kinh tế-xã hội; tỷ lệ nghèo đa chiều còn cao (khoảng 10,2%), cao thứ hai cả nước; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp; huy động nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế, nhất là đầu tư nước ngoài; hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin kết nối chưa đồng bộ; tiến độ chuẩn bị đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển...

Nguyên nhân được cho là ngoài yếu tố nội tại về quy mô kinh tế, dân số, khoảng cách địa lý xa các trung tâm phát triển, thì còn nguyên nhân khác, đó là vùng chưa khai thác được hết các tiềm năng, lợi thế của mình, nhất là về phát triển công nghiệp chế biến, bô-xít, năng lượng tái tạo; dịch vụ du lịch. Các cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù nổi trội cho vùng chưa được ban hành kịp thời...

Ðánh giá lợi thế vùng Tây Nguyên, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) chia sẻ, vùng đất này có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi, trồng trọt. Ðể phát triển nông nghiệp bền vững, khu vực phải hướng đến thị trường xuất khẩu. Việc này đòi hỏi chất lượng và sản lượng nông sản làm ra phải ổn định; phải có chuỗi giá trị sản xuất-xuất khẩu nông sản, trái cây. Ðây là nút thắt của vùng Tây Nguyên hiện nay.

Ông Ðặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group nhìn nhận, tỉnh Gia Lai có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng cần tăng cường liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên. Tập đoàn đề xuất cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đường bộ, đường hàng không lên Tây Nguyên và bày tỏ Sun Group sẵn sàng tham gia vào việc này. Ðể thực hiện thành công, ông Trường cho rằng, địa phương cần có cơ chế thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, du lịch-dịch vụ vào Tây Nguyên và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Ông Trường dẫn ví dụ các trường hợp của Sapa (Lào Cai) và Bà Ðen (Tây Ninh), sau khi có doanh nghiệp lớn vào đầu tư đã kéo theo lượng khách du lịch tăng rất mạnh, mang về nguồn thu lớn cho địa phương và góp phần phát triển kinh tế-xã hội…

Qua hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về vùng Tây Nguyên cho thấy, nguồn lực đầu tư trong nước cho Tây Nguyên còn hạn chế, thu hút đầu tư nước ngoài thiếu vắng dự án động lực và nhà đầu tư chiến lược, khiến kinh tế-xã hội Tây Nguyên khó có thể bứt phá.

Vì vậy, để thực hiện được các mục tiêu Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đề ra, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để Tây Nguyên phát triển, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, diễn ra ngày 14/10/2022, là “Có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế liên kết và điều phối để phát triển vùng có hiệu lực...”.

Việc xây dựng các chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên kỳ vọng giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương cũng như của toàn vùng.

Ðồng thời, cơ chế, chính sách sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập của vùng để đạt mục tiêu phát triển kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tạo động lực để Tây Nguyên phát triển.

Theo ÐINH SỸ TẠO (NDO)

Có thể bạn quan tâm