Du lịch

Hành trang lữ hành

"Sống khỏe" nhờ du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thời gian, người dân tỉnh Gia Lai đã quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và lấy đó làm thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng.

Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng

Kbang là một trong những địa phương giàu bản sắc văn hóa, có truyền thống cách mạng, lại được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan tuyệt đẹp như: thác Kon Bông, thác 50, thác Hang Dơi… Kbang còn có các di tích lịch sử như: Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, Làng kháng chiến Stơr, Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu… Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng được huyện xác định là thế mạnh; theo đó lấy du lịch cộng đồng làm nền tảng cho bảo tồn văn hóa, lấy bảo tồn văn hóa để làm du lịch cộng đồng. Hiện địa phương có 4 làng du lịch cộng đồng là làng Chiêng (thị trấn Kbang), Mơ Hra-Đáp, Kgiang (xã Kông Lơng Khơng) và Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung).

Người dân xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) có thu nhập ổn định từ phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Như Nguyện
Người dân xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) có thu nhập ổn định từ phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Như Nguyện



Anh Đinh Mỡi-cán bộ phụ trách di tích Làng kháng chiến Stơr-cho biết: Từ đầu năm đến nay, di tích này đã đón tiếp trên 4.000 lượt khách đến tham quan. Đến với di tích, du khách được xem các nghệ nhân đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, được thưởng thức nghệ thuật cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc, những bài dân ca Bahnar, các món ăn đậm đà bản sắc dân tộc. Tất cả đều do người dân trong làng phục vụ. “Nhờ có du lịch cộng đồng mà người dân địa phương có thêm thu nhập ổn định. Quan trọng hơn là mô hình du lịch cộng đồng đã góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc”-anh Đinh Mỡi nói.

Nói đến mô hình du lịch cộng đồng không thể không nhắc đến anh Đinh A Ngưi (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng). Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Văn hóa nên anh A Ngưi rất hiểu và trân quý bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Anh luôn nung nấu ý nghĩ phát triển du lịch cộng đồng không chỉ để phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân trong làng. Nghĩ là làm, đầu năm 2019, anh A Ngưi cho ra đời Homestay A Ngưi Kbang tại làng Kgiang. “Khi mới triển khai, không ai tin mình sẽ làm được, kể cả người thân trong gia đình. Tuy vậy, mình vẫn quyết tâm thực hiện giấc mơ phát triển du lịch cộng đồng với phương châm “Lấy di sản nuôi di sản, cộng đồng cùng hưởng lợi”. Hiện nay, hoạt động của Homestay A Ngưi Kbang dần đi vào ổn định, hàng năm có 2.000-3.000 lượt khách đến lưu trú, tham quan du lịch”-anh A Ngưi nói.

Khi đến với Homestay A Ngưi Kbang, du khách không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp mà còn hòa cùng tiếng cồng chiêng, tiếng đàn trưng do những nghệ nhân trong làng biểu diễn, cùng trải nghiệm dệt thổ cẩm, đan lát và hòa mình vào những sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Đặc biệt, du khách còn được nghe các nghệ nhân hát sử thi, chế tác nhạc cụ… Và không thể không kể đến các món ăn tươi ngon, đậm đà của đồng bào dân tộc thiểu số do chính những đầu bếp bản địa nấu phục vụ du khách. Ngoài ra, nếu du khách muốn khám phá núi rừng, thiên nhiên tươi đẹp tại Kbang sẽ có các hướng dẫn viên là người bản địa phục vụ.

 Anh A Ngưi (người đánh đàn) là người kết nối với người dân trong làng Kjang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang cùng chung tay phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh nhân vật cung cấp
Anh A Ngưi (người đánh đàn) đã kết nối với dân làng Kjang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) để chung tay phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh nhân vật cung cấp



Thu nhập ổn định

Homestay A Ngưi Kbang đi vào hoạt động không chỉ đem lại nguồn thu cho gia đình mà còn tạo ra thu nhập ổn định cho người dân làng Kgiang. “Đến nay, tôi đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ với thu nhập thấp nhất là 200.000 đồng/ngày. Nghệ nhân Đinh A Nghinh (làng Kgiang) vui vẻ cho biết: “Nhờ mô hình du lịch cộng đồng do A Ngưi khởi xướng, bà con trong làng có thêm thu nhập. Mỗi buổi biểu diễn cồng chiêng cho du khách, tôi cũng có thêm vài trăm ngàn đồng”.

 Xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) cũng là một trong những điểm đến được du khách lựa chọn. Người dân ở xã Ia Mơ Nông luôn có sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm để phát triển du lịch cộng đồng. Chị HUyên Niê-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Chủ nhiệm Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng-cho hay: Du khách đến Ia Mơ Nông sẽ được tham quan ngôi nhà rông tuyệt đẹp; được trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống, lội đồng bắt cá, đốt lửa trại, múa xoang, chơi các nhạc cụ truyền thống dân tộc Jrai và tham gia các lễ hội truyền thống của địa phương. Du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc trưng của địa phương như: cơm lam, gà nướng, lá mì xào cà đắng, tép om lá chuối, măng tươi om lá chuối…

 Người dân làng Kjang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang chung tay làm du lịch cộng đồng. Ảnh nhân vật cung cấp
Người dân làng Kjang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) chung tay làm du lịch cộng đồng. Ảnh nhân vật cung cấp


Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Mơ Nông, du lịch cộng đồng không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Jrai mà còn mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân trong xã. Trong đó, Tổ liên kết đan lát và dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng có 12 thành viên là các nghệ nhân lớn tuổi. Mỗi buổi trình diễn dệt thổ cẩm, đan lát, các nghệ nhân được nhận thù lao khoảng 150.000 đồng. Cùng với đó, khách đến du lịch còn mua các đặc sản địa phương như: bò một nắng, thịt heo ba chỉ một nắng, nai một nắng, muối kiến vàng, muối cỏ thơm, heo gác bếp...

Theo ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: Những đặc trưng văn hóa của dân tộc thiểu số ở Gia Lai có ý nghĩa và có thể khai thác trong hoạt động du lịch. Trong những năm qua, du lịch cộng đồng được quan tâm triển khai tại làng Ốp (TP. Pleiku), làng Stơr, làng Mơ Hra-Đáp (huyện Kbang), làng Ia Gri (huyện Chư Păh)… “Du lịch cộng đồng đã có sự tham gia, chung tay của người dân. Các mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh dựa vào cộng đồng, do cộng đồng làm chủ và tạo thu nhập cho người dân. Những năm qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đã hỗ trợ công tác đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con tại 15 làng ở các huyện, thị xã về du lịch cộng đồng để từng bước hình thành mô hình du lịch cộng đồng; mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho bà con một số làng có điều kiện phát triển du lịch cộng đồng”-ông Hoàng thông tin thêm.

 

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm