Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

"Sóng" ở Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hãng CNN ngày 29-5 dẫn nguồn từ Hải quân Mỹ đưa tin tàu USS Mustin đã đi qua khu vực 12 hải lý ngoài khơi đảo Phú Lâm và Hòn Tháp, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngay sau đó, tờ Global Times có bản tin nói Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đuổi một chiến hạm Mỹ ở Biển Đông.

 

 Tàu USS Mustin (DDG 89) của Mỹ
Tàu USS Mustin (DDG 89) của Mỹ





“Không chuyên nghiệp, thiếu an toàn”

CNN dẫn lời Trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, tuyên bố: “Tàu USS Mustin đã thực hiện quyền tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Bằng việc thực hiện hoạt động này, Mỹ chứng minh rằng các vùng nước trên nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố là lãnh hải của mình dựa trên pháp lý. Sự hiện diện của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin nêu trên là một hoạt động trong khuôn khổ các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) của Mỹ”.

Trong khi đó, bản tin của Global Times dẫn lời phát ngôn viên Lý Hóa Dân của Bộ Tư lệnh chiến khu Nam bộ của PLA nói Bộ Tư lệnh chiến khu Nam bộ đã tổ chức các lực lượng hải quân và không quân bám theo và giám sát, nhận diện, cảnh báo và xua đuổi tàu USS Mustin khi tàu này tiến vào Tây Sa (tên Trung Quốc ngang ngược đặt cho quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này chiếm đóng trái phép).

Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), đánh giá: “Mặc dù xung đột vũ trang tiềm ẩn giữa Mỹ và Trung Quốc là khả năng xa vời nhưng chúng ta đang chứng kiến các khí tài quân sự của họ hoạt động thường xuyên với với tần suất cao hơn trong lĩnh vực hàng hải. Đây là nguy cơ mà chúng ta không thể lường trước được”.

Ông Reed Werner, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Nam Á, cũng cảnh báo về “một xu hướng đáng lo ngại” trong cuộc phỏng vấn với Fox News. Quan chức này tố tàu Trung Quốc di chuyển “không chuyên nghiệp và không an toàn” gần tàu khu trục USS Mustin của Mỹ khi tàu này tuần tra trên Biển Đông.

Theo ông Reed Werner, đã có ít nhất 9 sự cố liên quan đến máy bay chiến đấu của Trung Quốc và máy bay trinh sát của Mỹ trên không phận Biển Đông.

Không chỉ vì dịch bệnh

Theo nhận định của giáo sư M.Taylor Fravel, Giám đốc Chương trình nghiên cứu an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, không phải đại dịch Covid-19 đang tạo ra cơ hội mới cho Trung Quốc gia tăng hoạt động gần đây tại Biển Đông mà thực chất nước này chỉ tiếp tục thực hiện chiến lược lâu nay của mình.

Những tranh chấp gần đây nhất đã có từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tháng 12-2019, Bắc Kinh và Jakarta trực tiếp đối đầu nhau khi một đội tàu cá của Trung Quốc hoạt động gần đảo Natuna của Indonesia ở khu vực cực Tây Nam của Biển Đông. Tình thế đối đầu này kéo dài tới cuối tháng 1-2020, với việc các tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống các tàu cá của nước này và các lực lượng vũ trang của Indonesia cũng thể hiện quyết tâm bảo vệ khu vực của mình.

Ngoài ra, đợt đánh bắt cá mùa xuân thường châm ngòi những căng thẳng mới. Hồi đầu tháng 4, một tàu cá của Việt Nam đang hoạt động gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa bị tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm.

Cũng trong tháng 4, tàu Hải dương Địa chất 8 - một tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc - bắt đầu hoạt động trong EEZ của Malaysia với sự bảo vệ của các tàu hải cảnh. Đây không phải là nỗ lực mới của Bắc Kinh có liên quan đến nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tại Biển Đông. Năm 2017 và 2018, Trung Quốc từng gây sức ép liên quan đến các hoạt động khai thác gần bãi Tư Chính.

Năm 2019, Trung Quốc đã điều các tàu hải cảnh đi xung quanh và quấy rối các hoạt động khoan thăm dò trong EEZ của Việt Nam và Malaysia. Trên thực tế, chính tàu Hải dương Địa chất 8 này đã từng xâm phạm khi có hoạt động bên trong vùng EEZ của Việt Nam từ đầu tháng 7 tới cuối tháng 10-2019.

Mới đây, ngày 26-5, phái đoàn thường trực Indonesia đã gửi thư cho Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Bộ phận phụ trách các vấn đề về biển và Luật Biển LHQ bác yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.

Trong thư nêu rõ: “Indonesia tái khẳng định bản đồ đường 9 đoạn nêu yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và trái ngược với Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”.

Theo VIỆT ANH tổng hợp (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm