TN - Đất & Người

Sông suối, công trình thủy lợi ở Tây Nguyên: Ngày càng sạt lở nghiêm trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều năm trở lại đây, sông Krông Nô (chảy qua huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều diện tích hoa màu, công trình giao thông, thủy lợi... đã bị con sông 'nuốt chửng'. Tình trạng sạt lở bờ sông hiện đang diễn biến phức tạp và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, tại Kon Tum, đập thủy lợi bị vỡ 5 tháng nay nhưng vẫn chưa được khắc phục, khiến người dân không có nước tưới, ruộng đồng bỏ hoang.

Sông Krông Nô sạt lở quanh năm

Lên thuyền từ xã Buôn Choáh đi dọc theo tuyến sông Krông Nô về các xã Nâm Ndir, Đức Xuyên, Quảng Phú (huyện Krông Nô), chúng tôi chứng kiến dọc theo bờ sông có hàng trăm điểm sạt lở. Nhiều đoạn, bờ sông bị sạt lở nên phình to lên đến gần 100m, ăn sâu vào đất sản xuất, hoa màu của người dân. Tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra nghiêm trọng nhất là tại đoạn sông chảy qua thôn Nam Ninh (xã Nâm Ndir). Tại đây, gần 300m bờ sông đã bị sạt và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều hécta hoa màu, ruộng lúa của người dân đã bị nhấn chìm xuống lòng sông. Tuyến đường nội đồng phục vụ cho người dân đi lại sản xuất cũng bị con sông “nuốt chửng” hàng trăm mét.

Cạnh đó, một công trình trạm bơm và hệ thống kênh mương thủy lợi cũng bị ảnh hưởng, hư hỏng. Đoạn sông tại khu vực này giờ đây đã phình to gấp nhiều lần so với trước đây. Ông Đàm Văn Định, Trưởng thôn Nam Ninh, cho biết, tình trạng sạt lở đã xảy ra nhiều tháng trước. Mới đây, vào giữa tháng 10, mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều ngày, nước sông dâng cao nên đoạn sạt lở tiếp tục lan rộng, ăn sâu vào bờ từ 12-20m. Đợt sạt lở lần này đã làm hơn 30m đường giao thông nội đồng và hơn 100 cây cà phê của một hộ dân đang chuẩn bị thu hoạch trôi hết xuống sông.

Ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, thông tin, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô diễn ra nhiều năm nay và đang diễn biến rất phức tạp tại đoạn sông chảy qua xã Nâm N’đir. Không chỉ có đất sản xuất và cây trồng của người dân, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, đường điện đang đứng trước nguy cơ sạt lở. Trước mắt, UBND huyện Krông Nô đã kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có các giải pháp hỗ trợ chống sạt lở bờ sông, hỗ trợ người dân. Về lâu dài, UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh có các giải pháp làm kè để chống sạt lở ở bờ sông Krông Nô, bảo vệ dân cư và vùng trọng điểm lương thực.

Ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông, cho rằng, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô có nhiều nguyên nhân: Địa chất yếu, việc vận hành thủy điện, tình trạng khai thác cát, ảnh hưởng của thiên tai...

Nhiều công trình thủy lợi hư hỏng

Đập thủy lợi Đắk Ngao 1 (thôn 3, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) xây dựng hàng chục năm trước, phục vụ tưới tiêu cho người thôn 3 và thôn 4 (cùng thuộc thị trấn Sa Thầy). Vào tháng 7 vừa qua, đập thủy lợi bất ngờ bị xói lở, cuốn trôi một phần vai đập, khiến công trình không thể tích nước. Ghi nhận cho thấy, phần đập dài khoảng 35m đã bị cuốn trôi, khiến vườn bạch đàn, đất sản xuất của dân tại thôn 3 và thôn 4 bị thiệt hại.

Ông Võ Duy Đường, Trưởng thôn 3 cho biết, vì đập vỡ nên không thể tích nước, dẫn đến cánh đồng dưới hạ lưu đập không sản xuất được, phải bỏ hoang. Ngoài ra, tại thượng nguồn đập, vỡ đập cũng đã làm đất trồng lúa, cà phê của 50 hộ dân ven suối bị sạt lở khi mưa xuống. Cũng tại huyện Sa Thầy, Thủy lợi Lũng Lau 2 (xã Sa Sơn) bị hư hỏng.

Theo đó, 2 đoạn ống dẫn nước đi qua suối thuộc tuyến kênh N2 và N6 bị cuốn trôi do mưa lũ. UBND tỉnh Kon Tum đã đề nghị UBND huyện Sa Thầy bố trí kinh phí địa phương để sửa chữa công trình khi người dân có nhu cầu sử dụng nước. Trong khi đó, cử tri thôn 5, xã Đoàn Kết, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum phản ánh, vào mùa mưa, hệ thống kênh tưới hồ chứa Tân Điền bị bồi lấp, sạt lở, gây ngập úng vụ mùa. Người dân đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nạo vét để tránh gây thiệt hại cho người dân.

Trả lời cử tri, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, thông tin, Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum đã cùng địa phương kiểm tra tuyến kênh tưới công trình hồ chứa Tân Điền. Qua đó, đoàn kiểm tra xác định, vào mùa mưa, nước từ Tỉnh lộ 671 và khu dân cư ven đường cuốn theo đất đá đổ trực tiếp vào kênh tưới gây ngập, làm bồi lấp, xói lở bờ kênh. Trước mắt, để đảm bảo dẫn nước tưới, Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum chủ động nạo vét kênh bị vùi lấp. Để xử lý triệt để, UBND tỉnh Kon Tum đã đề nghị UBND TP Kon Tum chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm xây dựng công trình tiêu thoát nước qua kênh tưới để không gây ảnh hưởng đến đất sản xuất của dân.

Có thể bạn quan tâm