Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Sốt đất ở Tây Nguyên, "cò" đất lộng hành: Tràn lan phân lô, phá nát quy hoạch đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc sốt đất thời gian qua ở các địa phương lớn ở Tây Nguyên dẫn đến nhiều hệ lụy. Người dân tự ý mở đường, phân lô xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp để bán kiếm lời. Thực tế, dù chính quyền các tỉnh đã xử lý các trường hợp vi phạm, nhiều cán bộ có liên quan cũng bị kỷ luật, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện...

Thời gian qua, chính quyền nhiều địa phương ở Tây Nguyên đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm phân lô bán nền, xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Ảnh: Bảo Trung
Phá nát quy hoạch đô thị 
Đầu năm 2022, Tổ kiểm tra 3073 (trực thuộc UBND TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) qua kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng và đất đai ở phường Thành Nhất, xã Cư Êbur và Ea Kao đã phát hiện hàng loạt trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, tự ý mở đường để phân lô bán nền.
Tại phường Thành Nhất, xã Cư Êbur và Ea Kao, đơn vị trên đã phát hiện rất nhiều công trình nhà ở cấp 4 được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và đã đưa vào sử dụng từ 2017 đến 2021.   
Ông Hoàng Xuân Phương - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Buôn Ma Thuột (Sở Tài Nguyên Môi trường Đắk Lắk) - cho biết: "Việc người dân tự ý, phân lô xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch cũng như kế hoạch sử dụng đất của TP.Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Chính vì thế, UBND các xã phường cần vào cuộc quyết liệt. Nhiều vùng đất ở thành phố hiện nay đang được rao bán trên mạng xã hội nhưng thực tế chỉ quy hoạch đất nông nghiệp chứ không phải đất ở.
Nếu các địa phương không kiểm tra, xử lý kịp thời, chưa tuyên truyền, cảnh báo các giao dịch, công trình đang thi công sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch, phát triển đô thị sau này. Khi chính quyền thu hồi đất sẽ gây ra khiếu kiện, khiếu nại, thiệt hại rất lớn cho bà con khi sử dụng đất không đúng mục đích".  
Việc phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp thực tế diễn ra âm ỉ nhiều qua năm tại tỉnh Gia Lai. Ông Đào Lân Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) xác nhận, đơn vị đã chỉ đạo cơ quan Công an vào cuộc điều tra, chủ động nắm bắt thông tin để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, lũng đoạn, gây bất ổn thị trường bất động sản.
Thực tế, thời gian qua một số đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất vườn ao của hộ gia đình, cá nhân tại xã Ia Dêr, Ia Sao. Trong đó, đa số giao dịch mua bán từ đất có nguồn gốc của hộ dân tộc thiểu số tại chỗ, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở với diện tích lớn, tách thửa bán nền, gây sốt thị trường đất nền.
Đại diện UBND huyện Ia Grai nhận định, tình trạng này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người sử dụng đất. Khi nhà nước làm dự án thì công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ gặp khó khăn do giá đất bị đẩy quá cao so với thực tế và nhu cầu thực của người dân.
Xử lý chưa triệt để
Ý thức được sự nghiêm trọng của vấn nạn tự ý mở đường, phân lô, xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, thời gian qua, chính quyền các cấp 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai đã liên tục mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm. Thậm chí có trường hợp vi phạm đã bị cưỡng chế tháo dỡ công trình, xử lý hành chính. Ngoài ra, nhiều cán bộ địa phương cũng liên đới bị xem xét xử lý kỷ luật lẫn truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hiệu quả đạt được vẫn là dấu hỏi lớn, cần thời gian trả lời.
Ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - cho biết: "Trước thực trạng, một số UBND xã, phường trên địa bàn để xảy ra xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, phân lô bán nền, thành phố sẽ xử lý kỷ luật tùy theo mức độ nặng nhẹ và trước mắt phải khắc phục vi phạm hành chính. Tức là những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng không phù hợp với quy hoạch thì ngoài việc xử phạt hành chính thì phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu".
Tại Gia Lai, để mạnh tay với phân lô bán nền, làm trái quy định của nhà nước, phá vỡ quy hoạch, thời gian gần đây, cơ quan chức năng tỉnh đã tiến hành khởi tố nhiều vụ án hình sự thu hút sự quan tâm của dư luận.
Tháng 12.2021, Công an tỉnh này tiến hành khởi tố bị can đối với bà Giang H’đan - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa - để điều tra về hành vi Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.  Trước đó, bà Đan đã ký quyết định cho phép ông Trần Xuân Hùng - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh - được chuyển mục đích hơn 1,4ha đất trồng cây lâu năm thành đất ở nông thôn. Sau đó, ông Hùng tiến hành phân lô bán nền với hơn 30 sổ đỏ được cấp.
Cũng liên quan đến vấn đề này, lực lượng chức năng cũng khởi tố, bắt giam nhiều cán bộ như Vũ Ngọc Tuấn, Nguyễn Thị Thanh Nga là nguyên cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh.
Ngoài ra, tháng 8.2021, Công an tỉnh Gia Lai bắt tạm giam bà Bùi Thị Nguyên Sáng (40 tuổi) - nguyên Trưởng phòng Thông tin - Lưu trữ thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong thời gian bà Sáng làm Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ia Grai đã ký cấp hơn 10 sổ đỏ từ các bộ hồ sơ giả. Các đối tượng ở huyện Ia Grai đem số sổ đỏ này đi thế chấp tại các ngân hàng để vay 6 tỉ đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Khi ngân hàng tố cáo đến cơ quan Công an bộ sổ đỏ thật nhưng cấp trên đất phân lô của người khác thì đã bị thiệt hại nhiều tỉ đồng.
Tuy vậy, vì lợi nhuận quá lớn, thực trạng sốt đất ảo, tự ý phân lô bán nền trên đất nông, lâm nghiệp vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương Tây Nguyên.
NHÓM PV TÂY NGUYÊN (LĐO)
https://laodong.vn/bat-dong-san/sot-dat-o-tay-nguyen-co-dat-long-hanh-tran-lan-phan-lo-pha-nat-quy-hoach-do-thi-1016780.ldo

Có thể bạn quan tâm