Khoa học - Công nghệ

SpaceX phóng thành công vệ tinh đa chức năng cho Indonesia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để giúp cho người dân ở những hòn đảo xa xôi, kém phát triển nằm ở phía đông kết nối được internet thuận lợi, Indonesia đã thực hiện dự án phóng vệ tinh đa chức năng tại Mỹ trị giá 540 triệu USD.

Ngày 19-6, Công ty hàng không vũ trụ Mỹ SpaceX thực hiện phóng vệ tinh viễn thông lớn nhất của Indonesia. Vệ tinh đa chức năng SATRIA-1 với công suất 150 Gbp thuộc sở hữu của Chính phủ Indonesia. Vệ tinh này nặng 4,5 tấn được chế tạo bởi Thales Alenia Space và được triển khai vào quỹ đạo từ Florida (Mỹ) bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Đây là cơ hội cho khoảng 2/3 trong số 280 triệu dân của Indonesia được sử dụng internet tốt hơn mà trước đây những người dân trên các hòn đảo kém phát triển nằm ở phía đông xa xôi của quốc gia này sử dụng rất hạn chế.

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX, phương tiện đã đưa vệ tinh của Indonesia lên quỹ đạo. Ảnh: SpaceX

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX, phương tiện đã đưa vệ tinh của Indonesia lên quỹ đạo. Ảnh: SpaceX

Phát biểu sau khi chứng kiến vụ phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của Mỹ, quyền Cục trưởng Cục Tiếp cận thông tin và viễn thông (BAKTI) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia (Kominfo) Arief Tri Hardiyanto nhấn mạnh: “Đây là thành tựu to lớn và là thành công cho tất cả người dân Indonesia”.

Chính phủ Indonesia cho hay, mạng internet do SATRIA-1 cung cấp sẽ có công suất 150 gigabyte/giây và cung cấp khả năng truy cập internet tới 50.000 điểm dịch vụ công cộng. Các dịch vụ này là miễn phí và vệ tinh cũng giúp bổ sung cho cơ sở hạ tầng viễn thông hiện có bằng cách cung cấp kết nối trực tiếp tới các thiết bị internet đầu cuối mà không cần các trạm thu phát sóng cơ sở (BTS), giúp bao phủ các khu vực điểm mù, vốn không được kết nối bởi các công nghệ khác.

Với 11 trạm mặt đất, SATRIA-1 chủ yếu cung cấp truy cập internet để phục vụ các dịch vụ công, trong đó tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, các chính quyền địa phương, quân đội và cảnh sát ở các vùng sâu, vùng xa.

Dù thời hạn phục vụ ban đầu được ấn định là 15 năm, song vệ tinh này có khả năng kéo dài thời hạn hoạt động thêm 5 năm. Tổng chi phí của dự án SATRIA-1 lên tới 540 triệu USD, cao hơn 90 triệu USD so với ước tính ban đầu và được tài trợ thông qua quan hệ đối tác công tư.

Có thể bạn quan tâm