Ngày đó, cơ quan Huyện ủy K7 đứng chân tại lưng chừng một sườn núi, dưới tán rừng già, bên dòng Đak Pơ Kơ. Vào mùa khô, nước trong xanh biêng biếc và có nhiều loại tôm cá, là nguồn thực phẩm góp phần cung cấp cho dân làng và các cơ quan đứng chân.
Đường từ K8 (An Khê) đến K7, luồn rừng, vượt suối sông, trèo lên những con dốc dựng đứng, đó là con đường giao liên bí mật, mất chừng gần 1 ngày đường thì đến nơi. Cánh giao liên chúng tôi thường gọi là đi trực.
Giữa quãng đường ấy là điểm hẹn gặp nhau của giao liên 2 đơn vị để giao tài liệu, bàn giao khách (nếu có khách). Hôm ấy, có lẽ vì một lý do nào đó mà giao liên phía K7 không thể đến đúng hẹn. Chờ mãi không được, trong khi tài liệu tôi mang theo lại là loại vừa tuyệt mật vừa hỏa tốc nên không thể chậm trễ, tôi liền đem đến nơi nhận là K7. Mỗi lần đi như vậy, anh em giao liên gọi là “trực suốt”. Tất nhiên, đã là giao liên thì ai cũng thông thạo những con đường bí mật.
Nhưng đã buộc phải “trực suốt” thì việc cảnh giác với kẻ thù cần đặt lên hàng đầu. Bởi vậy hôm đó, tôi đến K7 khi trời đã về chiều, người mệt nhoài vì đói và khát.
Ký nhận xong tài liệu, thấy tôi có vẻ mệt mỏi, chú Trần Quốc Bảo liền nói: Bữa nay không có công văn giấy tờ gấp nào chuyển về tỉnh, cháu ở lại ngủ với các chú, ngày mai hãy về K8.
Nghe ông nói, bụng tôi thì mừng, nhưng dạ thì lo. Lo là vì “ở nhà” mọi người không thấy tôi về thì không yên tâm, khéo lại di dời chỗ ở, tránh trường hợp tôi đi dọc đường bị địch phục kích bắt, khai ra nơi trú chân của cơ quan. Điều ấy cũng là lẽ thường cảnh giác trong chiến tranh.
Rồi chú Trần Quốc Bảo nói với chị Nguyễn Thị Liên-chị nuôi của Huyện ủy K7 nấu cháo gà cho tôi... bồi dưỡng. Trong câu chuyện với tôi, chị Liên tâm sự: Quê chị ở Quảng Ngãi, đi thoát ly được lãnh đạo động viên rằng nhiệm vụ gì được phân công mà cố gắng hoàn thành đều vinh dự như nhau. Vì thế, chị yên tâm với vai trò chị nuôi.
Chị khuyên tôi cũng vậy, giao liên cũng là nhiệm vụ cách mạng, góp phần nhỏ của mình vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà là vinh quang lắm. Đêm rừng già xa vùng địch chiếm, im tiếng súng của kẻ thù, giấc ngủ đến với tôi trong yên bình, không chút lo sợ đạn bom, lại nghe lời động viên của chị Liên mà ấm lòng. Sau này, chị Liên là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kông Chro và là vợ của anh Nguyễn Ngọc Trận-nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.
Nhớ có một lần, cũng tại vùng này, nơi trạm xá K7 đứng chân, tôi bị sốt rét nặng và kéo dài. Hai bên mông vì tiêm thuốc bị áp xe, không thể đi lại được cho nên... phải “định cư” ở trạm xá khá lâu.
Một hôm, biệt kích Mỹ phát hiện trạm xá, chúng gọi đổ thêm quân. Sau khi bắn phá bằng phi pháo, chúng tập kích vào trạm xá. Các thương-bệnh binh đang điều trị ở đây được các thầy thuốc và cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đưa ra khỏi vòng vây của địch. Tôi được chú Hoàng Thanh Trung (lúc đó là Trưởng đài 15 W) cũng nằm điều trị ở đây cõng trên lưng thoát ra khỏi sự nguy hiểm dưới làn đạn rocket từ trực thăng Mỹ phóng xuống.
Đầu tháng 10 vừa qua, tôi trở lại A13-Sró. Dọc con đường bê tông chạy ngang qua là những đồi cây trái xanh tốt, xa xa là cánh rừng nguyên sinh. Nhớ khi xưa, trong những cánh rừng này, nhiều cơ quan, đơn vị đứng chân được che chở bởi những cánh rừng xanh quanh năm và người dân địa phương, mà dẫu có bao lần càn quét, lùng sục, tìm kiếm, đánh phá ác liệt của bọn lính Mỹ-ngụy cũng chẳng thể phát hiện.
Ở đây còn là “trung gian” của con đường vận tải hàng hóa của cách mạng từ các cửa khẩu phía Phú Yên, Bình Định lên các tỉnh Nam Tây Nguyên an toàn tuyệt đối. Và, ở vùng đất này, ngày xưa còn có những làng người Kinh định cư.
Ngày nay, A13 được chia thành 3 đơn vị hành chính cấp xã và được huyện Kông Chro đầu tư hạ tầng sản xuất và xã hội khá ổn. Dẫu đã chia tách nhưng xã “gốc” A13-Sró vẫn còn diện tích tự nhiên gần 30.000 ha, 915 hộ/4.900 khẩu với 8 thôn, làng, 88% là đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống.
Tuy vẫn là xã đặc biệt khó khăn, với 415 hộ nghèo, chiếm 40,46% dân số, nhưng bà con nơi đây đã dần tiếp thu lối canh tác mới, trồng các loại cây có giá trị kinh tế như: mía, bắp, lúa, mì, cây ăn quả...
Mới đây, Nhà máy Đường An Khê đã tổ chức kết nghĩa với xã, cam kết sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nắm vững tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân; ưu tiên đầu tư vốn, giống, phân bón, cơ giới hóa; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.