Kinh tế

Doanh nghiệp

Sử dụng gạch không nung: Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sử dụng gạch không nung là chủ trương được Chính phủ chỉ đạo triển khai từ nhiều năm nay. Đối với Gia Lai, việc sử dụng loại vật liệu này cũng đã được đề cập nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng công trình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.

Hướng đến vật liệu mới


Nhìn công trình trụ sở Thành ủy Pleiku vừa được đưa vào sử dụng, không ai nghĩ rằng 30% vật liệu xây dựng là gạch không nung. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Pleiku Phan Ngọc Anh cho biết, tuy chưa có đánh giá xác thực sự đồng đều trong xây dựng giữa gạch không nung và gạch nung liên quan đến hiện tượng nứt, răn nhưng trước mắt công trình vẫn thể hiện sự đồng nhất và trông không nặng nề. “Cảm giác ngôi nhà mát mẻ, độ ồn giảm. Nhưng có điều việc sử dụng gạch này có răn, nứt hay không còn phải đợi thời gian!”-ông Anh chia sẻ.


 

Bê tông bọt thành phẩm của Công ty TNHH một thành viên Vật liệu nhẹ Gia Nghĩa. Ảnh: L.V.N
Bê tông bọt thành phẩm của Công ty TNHH một thành viên Vật liệu nhẹ Gia Nghĩa. Ảnh: L.V.N

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị sản xuất gạch không nung là Công ty TNHH một thành viên Vật liệu nhẹ Gia Nghĩa, Công ty cổ phần Gạch Việt Prime và Nhà máy Sản xuất Gạch không nung thuộc Xí nghiệp Khảo sát Thiết kế (Binh đoàn 15). Gạch không nung được sản xuất có những kích cỡ: 15 cm x 20 cm x 40 cm, 8 cm x 20 cm x 40 cm, 9 cm x 14 cm x 19 cm. Tuy nhiên, nhà sản xuất có thể điều chỉnh kích cỡ khuôn đúc theo yêu cầu của khách hàng. Nhìn chung, giá thành theo diện tích xây dựng cũng tương đương loại gạch nung. Ông Hoàng Minh Nghĩa-Chánh Văn phòng Thành ủy Pleiku, một trong những người có đề tài nghiên cứu về loại gạch này cho biết, gạch không nung có khả năng cách âm, cách nhiệt và chống thấm rất tốt. “Đặc biệt, gạch bê tông bọt được sử dụng chất tạo bọt nên nhẹ, thả trong nước nổi và không thấm nhờ có xi măng Porlan làm gốc”-ông Nghĩa giải thích.

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, năm 2016, nhiều công trình đã sử dụng gạch không nung như: Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (phường Trà Bá), Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương), trụ sở UBND phường Thắng Lợi, Trường Tiểu học Anh hùng Đôn (xã Gào)... thuộc địa bàn TP. Pleiku; trụ sở UBND xã Al Bă (huyện Chư Sê), Trường THCS xã Ia Phí (huyện Chư Pah), Trường THCS Trần Hưng Đạo (thị xã Ayun Pa)…

Vì sao người dân chưa mặn mà?

Sử dụng gạch không nung góp phần bảo vệ tài nguyên đất, không gây ô nhiễm; cách âm, cách nhiệt tốt; cường độ chịu lực lớn và phù hợp với yêu cầu trong công nghiệp xây dựng hiện đại. Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Hiệp-Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng TP. Pleiku thì khẳng định: “Hiện tượng răn, nứt tường nhiều!”. Vậy đâu là nguyên nhân? Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Bá Thạch cho biết, nguyên nhân răn, nứt là do sử dụng gạch không nung có kích thước lớn, các mạch vữa liên kết giữa các viên gạch không đồng đều, chất lượng vữa xây chưa được kiểm soát chặt chẽ về độ dẻo và mác theo thiết kế, chưa khống chế chiều cao của mỗi đợt xây, việc bố trí mạch ngừng thi công xây và việc xử lý bề mặt mạch ngừng chưa đảm bảo, công tác bảo dưỡng vật liệu gạch không nung tại nhà máy và bảo dưỡng khối xây dựng gạch không nung tại công trường không được kiểm soát chặt chẽ... Bởi vậy, người dân Gia Lai chưa mặn mà với loại gạch này.
 

Sản phẩm GKN của Xí nghiệp Khảo sát Thiết kế (Binh đoàn 15). Ảnh: L.V.N
Sản phẩm gạch không nung của Xí nghiệp Khảo sát Thiết kế. Ảnh: L.V.N

Để giảm hiện tượng răn, nứt tường, ông Nguyễn Bá Thạch đưa ra một số khuyến cáo. Theo đó, chủ đầu tư cần tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình sử dụng gạch không nung. Kiểm soát chặt chẽ quy trình xây dựng và kỹ thuật xây đối với khối xây gạch không nung. Kiểm soát chặt chẽ công tác bảo dưỡng vật liệu gạch không nung tập kết tại công trường và khối xây gạch không nung đang thi công. Nhà sản xuất cần tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm. Đơn vị tư vấn thiết kế phải chỉ dẫn kỹ thi công khối xây tường gạch không nung và liên kết của khối xây với các cấu kiện bê tông cốt thép như trong hồ sơ thiết kế. Đối với nhà thầu thi công, phải theo hướng dẫn quy trình, chỉ dẫn kỹ thuật xây của Sở Xây dựng, quản lý chặt chẽ chất lượng vật liệu gạch không nung theo yêu cầu về mác gạch, bố trí nhân công có trình độ bậc thợ, tay nghề phù hợp và thực hiện đúng quy trình bảo dưỡng khối xây theo hướng dẫn của Sở Xây dựng…
 

 Sử dụng bê tông bọt tại công trình Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm-TP. Pleiku. Ảnh: L.V.N
Sử dụng bê tông bọt tại công trình Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm-TP. Pleiku. Ảnh: L.V.N

Có thể khẳng định, việc sử dụng vật liệu gạch xây không nung thay thế gạch nung truyền thống là xu thế hiện đại và tất yếu trong ngành xây dựng. Tuy nhiên cũng cần nhiều hơn nữa các giải pháp đồng bộ trong việc thực hiện để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn phải tuyên truyền và hướng dẫn để người dân hiểu và làm quen với loại vật liệu này.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm