Sức khỏe

Sử dụng tinh bột nghệ sao cho đúng cách?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, tinh bột nghệ được rao bán tràn lan với những lời quảng cáo, như: uống tinh bột nghệ mỗi ngày tốt cho sức khỏe, bổ máu, đẹp da; ngăn ngừa, hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường; hỗ trợ điều trị ung bướu; viêm gan, vẩy nến… Chính vì tin vào tác dụng của tinh bột nghệ qua quảng cáo nên nhiều người không cần kiểm chứng đã mua uống như một loại “thuốc bổ”.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trao đổi vấn đề này với Lương y Nguyễn Ngữ-Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, ông cho rằng, hiện nay mọi người đang dùng nghệ, bột nghệ, tinh bột nghệ theo cảm tính; người này dùng được, song chưa chắc an toàn với người khác. Theo ông, nghệ là một vị thuốc đã có tên trong Dược điển Việt Nam, mà đã là thuốc thì chỉ nên sử dụng theo chủ định của lương y. Bởi nếu sử dụng nghệ và các thành phẩm từ nghệ bừa bãi, không đúng chỉ định, không theo liều lượng và đặc biệt với những người cơ thể đang suy nhược thì rất nguy hại.

Nghệ có tên khoa học là Curcuma longa L.; thuộc họ gừng (Zingiberaceae). Nghệ cung cấp 2 loại dược liệu là khương hoàng (Rhizoma curcumae longae) khi dùng thân rễ; và uất kim (Radix curcumae longae) khi dùng rễ. Nghệ hiện nay đang được dùng phổ biến trong chữa bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng. Song Lương y Nguyễn Ngữ cũng nhấn mạnh: Tùy vào thể bệnh của từng người mới quyết định có nên dùng nghệ chữa bệnh hay không. Vì nghệ có vị cay, đắng, tính ấm nên với những người bị viêm loét dạ dày thể tỳ vị hư hàn, với các triệu chứng vùng bụng trên đau lâm râm, nôn ra nước trong, thích nóng, ghét lạnh, ăn chậm tiêu… khi uống nghệ vào bệnh sẽ bớt nhanh. Còn những người đang bị viêm loét dạ dày-tá tràng thể viêm loét do nhiệt, với các triệu chứng bụng trên đầy chướng, dạ dày có cảm giác nóng, rát, đau xuyên ra sườn, ợ chua… thì không uống nghệ, vì tính ấm của nghệ sẽ làm tăng thêm nhiệt, khiến viêm loét nặng lên và bệnh trở thành mạn tính.

Lương y Nguyễn Ngữ cũng cho biết, nghệ có tác dụng thông ứ, hành huyết, dùng chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng, tức ngực, khó thở… nên với một số người khí huyết lưu thông kém, ít tập luyện thể dục thì một tháng có thể uống nghệ 2 lần, mỗi lần 6 g-12 g, dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột, sẽ giúp máu huyết lưu thông tốt hơn; tuy nhiên vẫn cần tránh lạm dụng chỉ định này.

Ngoài ra, nghệ còn có tác dụng làm cho vết thương mau liền da, làm sáng da, đẹp da nhưng chỉ nên dùng nghệ tươi giã nát vắt lấy nước bôi trực tiếp lên da chứ không nên uống. Chú ý, nếu dùng dịch nghệ tươi bôi vào vết thương hoặc lên bề mặt da thì khi đi ra ngoài trời cần phải tránh để ánh nắng chiếu trực tiếp, vì nghệ sẽ kích thích da hấp thụ tia cực tím, làm sạm da.

An Nguyên

Có thể bạn quan tâm