TN - Đất & Người

Sự hối hận muộn màng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một số đối tượng hoạt động chống phá chính quyền, nuôi ảo vọng thành lập cái gọi là “Nhà nước riêng của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên” đã bị bắt. Các đối tượng đã phải trả giá bằng những bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Đinh Nông (52 tuổi, trú tại làng Jri, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) cùng 4 đối tượng khác bị cơ quan Công an phát hiện, bắt giữ về hành vi phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. Ngày 4-4-2017, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa lưu động xét xử các đối tượng về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” và tuyên phạt Đinh Nông 8 năm tù. Không chỉ vi phạm pháp luật, Đinh Nông và các đối tượng còn đẩy gia đình vào cảnh khó khăn, ly tán.

 

Phạm nhân Đinh Nông đang lao động, cải tạo tại Trại giam Gia Trung (Bộ Công an). Ảnh: H.T
Phạm nhân Đinh Nông đang lao động, cải tạo tại Trại giam Gia Trung (Bộ Công an). Ảnh: H.T

Từ ngày chồng bị bắt, bà Đinh Rơk (vợ Đinh Nông) bị tai biến nằm liệt giường, phải nhờ đến sự giúp đỡ của đứa con gái út bà mới ngồi dậy được. Trong căn nhà nhỏ chẳng có vật dụng gì đáng giá, bà Rơk đang phải gắng gượng từng ngày. Nhắc đến người chồng vi phạm pháp luật, bà Rơk không giấu được sự mặc cảm. Bà cho biết: “Nhà nghèo, các con đều lập gia đình ở xa, thỉnh thoảng bà con dân làng và các con mang đến cho ít gạo, mắm muối. Trước đây, hai vợ chồng nương tựa nhau, sống hạnh phúc bên con cháu và bà con dân làng. Nhưng từ ngày ông ấy bị bắt, rồi tôi bị tai biến, cuộc sống khó khăn lắm. Ngày trước, biết chồng làm chuyện xấu, nghe lời tuyên truyền của bọn FULRO lưu vong, tôi nhiều lần khuyên từ bỏ để chăm lo lao động, giúp gia đình nhưng ông ấy không nghe”.

Một buổi chiều muộn cuối tháng 11-2017, chúng tôi theo chân các cán bộ quản giáo Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đến gặp phạm nhân Đinh Nông. Nơi Đinh Nông và các phạm nhân khác đang lao động, cải tạo là một khu nhà xưởng nằm tách biệt trên một con dốc nhỏ. Phía trong cánh cửa vọng ra tiếng búa gõ lách cách, tiếng sột soạt của các phạm nhân đang đan ghế mây, thỉnh thoảng có tiếng leng keng của những đoạn sắt va vào nhau, nghe khô khốc…

Nghe cán bộ quản giáo gọi: “Đinh Nông, nghỉ tay có người gặp!”, Nông giật mình, ngồi khựng lại. Dù đã ngưng làm nhưng mắt Đinh Nông vẫn nhìn trân trân vào chiếc ghế mây đan dở. Một lát sau, Đinh Nông mới bước ra ngoài. Thấy chúng tôi, Đinh Nông cười vui vẻ. Sau cái bắt tay chào xã giao, vẻ mặt Đinh Nông chùng xuống, có lẽ đang hụt hẫng điều gì đó. Qua ít phút trao đổi, chúng tôi được biết, đã gần 8 tháng kể từ ngày chấp hành án phạt tù, Đinh Nông chưa một lần được gia đình, người thân đến thăm. Cũng vì thế, mỗi ngày trôi qua với Đinh Nông như dài hơn.

Khi biết tin vợ bị ốm, nằm liệt giường nhiều tháng nay, Đinh Nông không giấu được nỗi buồn. Đinh Nông tâm sự: “Hầu hết các phạm nhân đang học tập, cải tạo ở đây đều thỉnh thoảng có người thân đến thăm nuôi, động viên tinh thần. Vì vậy, họ có những giây phút trải lòng bên người thân, bạn bè. Nhìn lại, tôi thấy tủi thân lắm. Thời gian rảnh rỗi, tôi tận dụng những sợi mây bỏ đi, học hỏi tập đan lát cho đỡ buồn, đỡ nhớ nhà. Nay biết vợ ốm, phải nhờ đến sự giúp đỡ của bà con trong làng, tôi cảm thấy ân hận, có lỗi với vợ con. Những ngày đầu vào trại, đêm khuya không ngủ được, tôi trằn trọc suy nghĩ về những việc sai trái mình đã làm, gây ảnh hưởng xấu cho bà con trong làng. Nhiều khi nghe tiếng nước chảy từ bể nước sinh hoạt, tiếng gà gáy vọng từ bên ngoài hay chỉ là cơn gió rít qua khung cửa cũng làm cho tôi nuối tiếc những ngày tháng sống giản dị, bình yên với gia đình, bà con ở buôn làng”.

Hữu Trường

Có thể bạn quan tâm