Bạn đọc

Sự nhẫn nại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi từng đọc ở đâu đó một câu chuyện rất thú vị rằng: Có một người mẹ thấy con trai lên 5 tuổi cầm hai quả táo. Vì muốn thử lòng con trẻ, chị chìa tay ra xin thử một quả. Đứa trẻ nhìn mẹ rồi liền cắn mỗi quả táo một miếng. Chứng kiến hành động của con, trái tim người mẹ như bị bóp nghẹt, quặn thắt. Cảm giác hụt hẫng choán hết tâm trí chị. Khi đứa con ăn xong hai miếng táo, nó mỉm cười đưa về phía mẹ một quả và nói: “Quả này ngọt hơn, con sẽ dành cho mẹ”. Ôm đứa con vào lòng, chị rưng rưng xúc động.

Nhẫn nại được hiểu là sự chịu đựng, kiên trì trong một hoàn cảnh nhất định. Người ta nói, nhẫn nại đôi khi đem đến cho con người cảm giác đau đớn, nhưng nếu chịu khó lắng nghe, quan sát, kết quả đem lại sẽ rất ngọt ngào như câu chuyện ở trên vậy. Trong cuộc sống, nhẫn nại có vai trò vô cùng quan trọng, nhưng không phải ai cũng nhận thấy rõ điều đó.

 

Ảnh minh họa

Trong thực tế, hậu quả của sự thiếu nhẫn nại luôn tồn tại đầy rẫy. Câu chuyện thương tâm về một đứa trẻ trong xóm tôi cách đây đã lâu cho thấy rõ điều đó. Người cha vì nghe miệng lưỡi cay nghiệt của hàng xóm nên nổi lòng nghi ngờ vợ, giữa đêm hôm khuya khoắt, hắn đã ôm đứa con vừa tròn một tháng tuổi vứt bỏ ngoài sông. Rồi cũng một người cha nát rượu, độc ác, chỉ vì đứa con vô tư phá giấc ngủ trưa khi gã đã say mèm, máu cầm thú trong gã trỗi dậy để rồi đứa trẻ bị chính cha ruột của mình bóp cổ cho đến chết. Biết bao sự vụ khác: bảo mẫu bạo hành trẻ em vì chúng không chịu ăn hay nghịch ngợm; cô bé 8 tuổi chỉ vì không làm bài tập mà bị cô giáo dạy thêm dùng thước đánh cho bầm tím. Trong gia đình, nhiều trường hợp chồng giết vợ, mẹ giết con, anh em chém, giết nhau,... cũng vì không ai biết nhẫn nại.

Nhẫn nại là cần thiết nhưng nói thì dễ, làm thì rất khó. Cạnh nhà tôi có đôi vợ chồng nghèo. Anh chồng làm bảo vệ cho một xưởng gỗ, mươi bữa nửa tháng mới về nhà một lần. Chị vợ bán quần áo cũ ngoài chợ. Dù vất vả, chị chẳng hề bảo ban cho hai đứa con gái đụng tay vào bất cứ công việc gì trong nhà, dù chỉ là quét nhà, nhặt rau, rửa chén... Hàng phố góp ý, chị cười trừ: Thấy chúng làm, chân tay cứ lóng ngóng, vụng về, thôi thì mình làm rốn cho xong! Bởi thế dù chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học, chúng vẫn không biết làm bất cứ việc gì ngoài học. Em tôi vốn nóng tính, mỗi lần thấy con học chậm, tính chậm, cậu ấy khó chịu và tự mình viết thay hoặc là đưa ra đáp số thay vì tỉ mỉ chỉ cho con từng bước. Rồi thì chuyện phát ngôn tự do khi chưa suy xét đầu đuôi, ngọn ngành sự việc; chuyện phóng nhanh chạy ẩu, vượt đèn đỏ, chen lấn nhau; hay khi bị ai đó xúc phạm thì gồng mình lên trả đũa,... cũng đều xuất phát từ việc quá vội vàng, hung hăng mà quên đi điều quan trọng là phải kiên trì, nhẫn nại. Sự nhẫn nại được ví như lửa có thể thiêu đốt các oán thù, tật đố và oan trái. Nếu không có đức tính ấy, xem như con người đã đánh mất đi một phần quan trọng trong nhân cách quý giá của bản thân mình.

Cái khó trong việc rèn luyện đức tính nhẫn nại cũng giống như việc ăn trái đắng. Một khi đã vượt qua được rồi, ắt sẽ vô cùng tự hào, mĩ mãn về bản thân. Câu chuyện về cậu bé với hũ đậu phộng trên bàn là một minh chứng. Vì muốn cho tay vào hũ lấy được thật nhiều đậu phộng ăn, nhưng vì miệng hũ quá nhỏ nên tay bị kẹt cứng trong chiếc hũ khiến cậu bật khóc. Định bỏ cuộc thì cậu được mẹ mách kế, lấy từ từ mỗi lần hai, ba hạt thì tay không bị kẹt, cậu làm theo một cách nhẹ nhàng rồi nhoẻn miệng cười vui sướng khi thành công. Câu chuyện về cậu bé rất thích chơi dương cầm nhưng lại không có một chút gì là năng khiếu. Nhưng chính sự kiên trì tập luyện, cuối cùng, những ngón tay của cậu đã lấp lánh nhảy múa trên những phím đàn. Bản nhạc cậu đánh đã khiến tất cả mọi người phải đứng lên vỗ tay tán thưởng. Câu chuyện gần gũi nhất mà tôi biết là từ cậu học trò bị cụt cả hai bàn tay. Bằng sự kiên trì, nghị lực và lòng quyết tâm, giờ cậu đã trở thành một tân sinh viên ngành Tin học như cậu mong ước...

Có rất nhiều cách để mỗi chúng ta rèn luyện đức tính nhẫn nại. Nếu ta đang cảm thấy tức giận với ai đó thì hãy hít một hơi thở thật sâu để tâm hồn mình thư thái, thoải mái, sâu lắng và suy tư. Nếu ta đang nóng giận với trẻ, hãy tách mình ra khỏi con trẻ trong một thời gian nhất định. Đừng nên làm giúp con mọi việc, hãy để con tự mình làm các việc từ dễ tới khó, dạy cho con biết đặt mục tiêu trong phạm vi khả năng của mình... Muốn vậy, mỗi bậc cha mẹ phải là một tấm gương kiên trì và nhẫn nại.

Nhẫn nại không phải từ bẩm sinh mà có, nó chỉ được hình thành qua sự rèn luyện. Nếu nhẫn nại có thể làm cho các mối quan hệ của con người trở nên tốt đẹp hơn thì tại sao ngay lúc này, chúng ta không rèn luyện để nó trở thành thói quen cho mình!

Đình Thu

Có thể bạn quan tâm