Xã hội

Sự sẻ chia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi luôn cho rằng, sự sẻ chia, dù rất nhỏ, cũng là điều rất quý giá trong cuộc sống. Sẻ chia phát từ trái tim, từ sự đồng cảm, không chỉ là những vật chất, tiền bạc… mà còn là sự quan tâm, đôi lúc đó chỉ là ánh mắt, cái nắm tay, hay lời khuyên... Từ những sẻ chia ấy, cuộc sống của mỗi chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng và thêm phần ý nghĩa. 

Mới đây, ở 1 phòng khám tư nhân, tôi đã chứng kiến cảnh hai vợ chồng nhà nọ cãi nhau vì cô con gái cứ mải chạy lung tung nghịch phá không chịu ngồi yên. Anh chồng cáu gắt quát con và trút bực lên vợ rồi bỏ ra ngoài. Một lúc sau, hình như cũng không chịu được ấm ức nên người mẹ đã nói quay sang bắt chuyện với tôi.

Chị kể, con gái chị mắc chứng tự kỷ, bé chỉ làm những gì bé thích, không hòa nhập với bạn bè, không nghe lời bố mẹ và thường ném đồ chơi mỗi khi không vừa ý. Đôi lúc, vì không kiềm chế được, chị đã đánh mắng con, khi nguôi giận biết mình giận quá mất khôn, hối hận thì đã lỡ rồi. Vợ chồng chị cũng đã tìm đủ mọi cách để cố đưa con bé vào guồng nhưng vẫn không thay đổi được nhiều.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tôi nói với chị: “Chị hãy cứ để con được lớn lên thoải mái, đừng quá nôn nóng mà gò ép con bé! Không phải cứ có bệnh là mình phải tìm mọi cách đưa con vào guồng. Con vẫn có quyền được lớn lên như những đứa trẻ bình thường theo quy luật tự nhiên, từ ăn, ngồi, đi, nói và cả chơi nữa…; chỉ là điểm xuất phát của con chậm hơn các bạn cùng lứa thì sự phát triển của con cũng vì thế mà chậm hơn. Không phải cứ nôn nóng, cứ đặt ra những quy tắc, bài học cho trẻ là trẻ tiến bộ đâu chị ạ!”.

Tôi cũng đã không ngại chia sẻ với chị về mình. Có lẽ, do cùng hoàn cảnh nên khi nghe tôi chia sẻ, nét mặt chị trở nên nhẹ nhõm hơn. Sau cuộc nói chuyện ấy, chị xin số điện thoại của tôi để kết bạn Zalo cùng lời dặn: “Thi thoảng, mình nói chuyện với nhau cho vui em nhé!”.

Thực ra, tôi cũng từng có một khoảng thời gian dài mang tâm trạng nặng nề khi biết con trai mình mắc hội chứng down. Lúc đầu, khi biết con bị bệnh, tôi chẳng dám nói cho ai biết, không dám mang con ra ngoài tiếp xúc với mọi người. Tôi sống ở tỉnh lẻ, những đứa trẻ như con tôi không nhiều. Vậy nên, mỗi lần con xuất hiện thường là điểm chú ý của những người xung quanh.

Tôi sợ mỗi khi ai đó hỏi tôi: “Bé mấy tháng rồi?”, sợ mỗi khi phải nghe những câu nói như: “Sao chừng ấy tháng rồi mà trông cháu vẫn còn dại và yếu lắm!”, “Nhìn mặt nó ngây ngô quá!”… Có lẽ, khó khăn nhất của tôi lúc ấy không phải là làm thế nào để con hòa nhập tốt mà là tôi chưa chia sẻ được với ai nên lòng mình càng thêm nặng trĩu.

Cho đến khi chồng tôi đi công tác về và đọc được bệnh án của con. Anh nói: “Không sao cả! Con cái là kỳ vọng của bố mẹ, nhưng con có khiếm khuyết thế nào cũng là con. Vợ chồng mình cùng cố gắng chăm sóc để con được vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày là đủ!”. Đó là sự sẻ chia lớn lao nhất mà tôi nhận được. Tôi thấy mình như trút được thứ gì đó đã đè nặng lên người bấy lâu.

Các bạn tôi đến nhà chơi và biết chuyện, mỗi dịp cuối tuần hoặc khi có thời gian rảnh các bạn lại đến nhà đưa mẹ con tôi ra ngoài chơi, uống cà phê, đi công viên... Dần dần, tôi lấy lại cân bằng nhờ những sự quan tâm ấy, và tôi cũng bắt đầu chia sẻ nhiều hơn với người thân, bạn bè của tôi về con. Tôi bắt đầu lên mạng tham gia vào nhóm những bà mẹ có con như mình để chia sẻ cách chăm sóc, nuôi dạy con. Khi được trải lòng, tôi thấy cuộc sống của mình cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Tôi và các bạn tôi lập 1 nhóm chat. Những khi không gặp nhau được, chúng tôi thường chia sẻ với nhau về những buồn vui trong cuộc sống và thường kết thúc cuộc chuyện trò bằng những chiếc mặt cười xinh xắn.

Vì vậy, tôi luôn cho rằng, sự sẻ chia, dù rất nhỏ, cũng là điều rất quý giá trong cuộc sống. Sẻ chia phát từ trái tim, từ sự đồng cảm, không chỉ là những vật chất, tiền bạc… mà còn là sự quan tâm, đôi lúc đó chỉ là ánh mắt, cái nắm tay, hay lời khuyên... Từ những sẻ chia ấy, cuộc sống của mỗi chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng và thêm phần ý nghĩa.

PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm