Kinh tế

Doanh nghiệp

Sức khỏe tài chính doanh nghiệp được giao đất của ông bà chủ 'cà phê' Trung Nguyên ra sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đầu tư hơn 13 hecta ở Phú Quốc từ 2003 nhưng tài sản này của vợ chồng “vua cà phê" Trung Nguyên đều bị UBND huyện đảo này thu hồi và giao cho đơn vị khác, trong khi đơn vị được giao đất "của ông Vũ" có sức khỏe tài chính không mấy khả quan.

Như Dân Việt đã đưa tin, từ năm 2003, khi chưa xảy ra mâu thuẫn, vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã đầu tư hơn 13 hecta đất ở Đảo Ngọc Phú Quốc.

 

 Bà Thảo và ông Vũ hai người từng sở hữu thương hiệu cà phê Trung Nguyên (Ảnh: Vietnamnet).
Bà Thảo và ông Vũ hai người từng sở hữu thương hiệu cà phê Trung Nguyên (Ảnh: Vietnamnet).



Tuy nhiên, khối bất động sản này lại bị thu hồi từ những năm 2011-2014 theo những quyết định của UBND huyện đảo Phú Quốc, mà vợ chồng "vua cà phê" không nhận được bất cứ thông báo nào. Đến năm 2018, ông Đặng Lê Nguyên Vũ mới biết về việc này và bắt đầu… khởi kiện. Từ vụ việc này, Dân Việt đã phát hiện ra khá nhiều điều bất ngờ quanh vụ việc.

Đầu tư đất để làm gì?

Theo tìm hiểu, vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên đã đầu tư 94.838 m2 đất tại Vũng Trâu Nằm xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc. Ngoài ra, tại ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu (cũng thuộc huyện đảo Phú Quốc), vợ chồng ông Vũ - bà Thảo còn đứng tên khu đất 31.519m2 gồm thửa số 29 có diện tích 10.646,4m2 và thửa số 21a+21b+21c có diện tích 20.872,6m2.

Tuy nhiên, bằng các quyết định số 1986/QĐ-UBND, quyết định số 1990/QĐ-UBND, quyết định số 556/QĐ-UBND, quyết định số 557/QĐ-UBND (các quyết định này ban hành ngày 25/2/2011 và ngày 15/1/2014), các khu đất này đều bị thu hồi để đầu tư xây dựng Khu Du lịch Dân cư làng chài Vũng Trâu Nằm (tại xã Bãi Thơm) và Khu du lịch sinh thái nhà vườn Rạch Vẹm (ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu).

Theo thông tin từ ông Đặng Lê Nguyên Vũ gửi UBND tỉnh Kiên Giang và UBND huyện Phú Quốc, ông cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Phú Quốc, nên từ năm 2003 ông đã đầu tư và có quyền sử dụng 94.838 m2 đất tại vũng Trâu Nằm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc.

"Với mong muốn thực hiện đầu tư xây dựng dự án 'Khu du lịch' tại khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, từ đó đóng góp vào sự phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế của huyện đảo Phú Quốc. Đồng thời phát triển thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm cà phê Trung Nguyên - cà phê Việt Nam đến với tất cả khách du lịch trong và ngoài nước tại Phú Quốc", ông Vũ mong mỏi.

Theo đó, ông Vũ cũng đề xuất thiện chí hợp tác với Công ty TNHH SX - TM - DV - Thế Kỷ Xanh (đơn vị được UBND huyện Phú Quốc giao đất - PV) trong việc triển khai nhanh dự án tại xã Bãi Thơm.

Cụ thể, ông Vũ đề xuất với với Công ty TNHH SX - TM - DV - Thế Kỷ Xanh để hoán đổi vị trí và diện tích của khu đất 43.305,74m2 đổi lấy khu đất có diện tích, giá trị tương đương và có vị trí liền kề với khu đất 51.382,57m2 và đồng thời điều chỉnh lại ranh dự án của Công ty Thế Kỷ Xanh không bao gồm khu đất 51.382,57m2 và khu đất đã được hoán đổi liền kề.

"Các phương án trên nhằm giúp cho Công ty Thế Kỷ Xanh và tôi có khu đất liền mạch, có thể xúc tiến các thủ tục pháp lý và chủ động đầu tư vào Bãi Thơm", ông Vũ đề xuất.

Chủ đầu tư được giao đất "của ông Vũ" năng lực ra sao?

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH SX - TM - DV - Thế Kỷ Xanh là công ty con của Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Khu Đông - một đơn vị đang sở hữu khá nhiều dự án "khủng" tại đảo ngọc Phú Quốc.

 

"Sức khỏe" tài chính của Công ty BĐS Khu Đông.
"Sức khỏe" tài chính của Công ty BĐS Khu Đông.


Cụ thể, trong hệ sinh thái của Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Khu Đông, gồm: Công ty TNHH SX-TM-DV Thế Kỷ Xanh - chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Phú Quốc - Thế Kỷ Xanh - với quy mô 1.133.298 m2 tại ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc; Công ty TNHH Hải An Huy (công ty con của Bất động sản Khu Đông) là chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Đồi Xanh tại đồi Móng Tay, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc; Công ty Cổ phần Ngôi Sao Cửa Dương (một công ty con khác của Bất động sản Khu Đông), cũng là chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Ngôi Sao May Mắn Resort tại ấp Lê Bạt, xã Cửa Cạn - Cửa Dương, huyện Phú Quốc.

Được biết, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Khu Đông được thành lập từ năm 2009. Tuy sở hữu nhiều dự án "khủng" ở Phú Quốc (qua công ty con), nhưng đơn vị này có "sức khỏe" tài chính không mấy khả quan.

Theo tìm hiểu, 6 tháng đầu năm 2020, Bất động sản Khu Đông báo lỗ 139,5 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp này báo lỗ 57,2 tỷ đồng). Trong khi đó, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 5,3 lần, tương đương với việc địa ốc Khu Đông phải "gồng gánh" khoản nợ lên tới 5.697,5 tỷ đồng.

Hồi cuối năm 2019, doanh nghiệp này liên tiếp phát hành tổng cộng 1.138 tỷ đồng trái phiếu trong thời gian từ 15/11 đến 24/12/2019. Số trái phiếu này có kỳ hạn từ 2 đến 3,5 năm, với lãi suất từ 10,2 - 10,4%/năm. Đồng thời, đầu năm nay (13/1/2020), Bất động sản Khu Đông cũng đã tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên 1.075 tỷ đồng.

 



Liên quan đến việc mua bán đất của vợ chồng "vua" cà phê Trung Nguyên mua đất ở Phú Quốc bằng giấy tay, LS Lê Bá Thường, đoàn luật sư TP.HCM đã giải thích tính pháp lý về việc mua bán BĐS bằng giấy tay. Theo LS Thường, mua bán đất là giao dịch dân sự và phải tuân theo quy định về hình thức. Do đó, hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Các giao dịch mua bán đất phải lập hợp đồng và có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện bằng hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực (Điểm a, Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013).

Nếu hợp đồng mua bán đất được giao dịch bằng giấy tay không có công chứng sẽ bị vi phạm về hình thức và sẽ vô hiệu (khoản 2, Điều 117 BLDS 2015).

Tuy nhiên, dù việc mua bán đất bằng giấy tay mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó (khoản 1 Điều 129 BLDS 2015). Vì thế mua bán đất bằng giấy tay trong trường hợp này vẫn có giá trị pháp lý.

https://danviet.vn/suc-khoe-tai-chinh-doanh-nghiep-duoc-giao-dat-cua-vo-chong-vua-ca-phe-trung-nguyen-ra-sao-2020100915461388.htm

Theo QUỐC HẢI (Dân Việt)
 

Có thể bạn quan tâm