Du lịch

"Sức nóng" của du lịch dịp nghỉ lễ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tiếp nối kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, thị trường du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay dự kiến sẽ thu hút đông khách trở lại. Ðây được xem là cú huých mạnh mẽ góp phần làm hồi sinh nhanh chóng "ngành công nghiệp không khói" nước nhà sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay kéo dài bốn ngày, cho nên càng tạo điều kiện thuận lợi để những người yêu thích xê dịch quyết định lên đường. Theo ghi nhận từ nhiều hãng lữ hành uy tín, từ hơn một tháng trước nghỉ lễ, hoạt động mua tua, tuyến, dịch vụ du lịch đã nhộn nhịp. Tính đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành chỉ tiêu, thậm chí vượt chỉ tiêu về lượng khách.
Thị trường du lịch nội địa sôi động hơn cả với những điểm đến được lựa chọn hàng đầu như: Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Ðịnh), Ðà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh)… Những bãi biển đẹp vẫn là ưu tiên hàng đầu của du khách bên cạnh. cung đường tới các tỉnh miền núi phía bắc như Lai Châu, Sơn La, Hà Giang… hay những trải nghiệm ở miệt vườn sông nước miền tây...
Dù giá vé máy bay dịp cao điểm nghỉ lễ tăng lên từng ngày, nhưng hệ thống đặt chỗ của các hãng hàng không vẫn ghi nhận sản lượng khách tăng cao. Những chặng bay kết nối Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tới những điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Ðà Nẵng, Nha Trang, Côn Ðảo… nhanh chóng kín chỗ, vé tàu giờ đẹp cũng được bán rất nhanh. Ðể đáp ứng nhu cầu du lịch tăng mạnh của du khách kỳ nghỉ lễ, Vietnam Airlines Group quyết định tăng thêm hơn 250 chuyến bay, tương ứng hơn 50.000 chỗ trên các chặng bay du lịch trọng điểm như: thành phố Hồ Chí Minh-Ðà Nẵng, Hà Nội-Ðà Nẵng, Hà Nội-Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh-Phú Quốc…, nâng tổng cung ứng toàn mạng bay nội địa, quốc tế lên gần 2.700 chuyến bay với hơn 524.000 chỗ giai đoạn 24/4 - 4/5.
Ở thị trường du lịch outbound (đưa khách đi du lịch nước ngoài) cũng ghi nhận khởi sắc khi đã có những đoàn khách lựa chọn du lịch nước ngoài thay vì du lịch trong nước. Các điểm đến được quan tâm hàng đầu nằm ở những quốc gia có chính sách cởi mở, thông thoáng trong đi lại đối với khách quốc tế như: Dubai, Ấn Ðộ, một số nước ở khu vực Ðông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Campuchia… Sự nhộn nhịp trở lại của thị trường du lịch dịp nghỉ lễ đang mở ra nhiều kỳ vọng cho sự phục hồi mạnh mẽ của hàng không và du lịch.
Kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay cũng chứng kiến sự thay đổi khá rõ nét trong xu hướng du lịch sau đại dịch. Ðại diện Flamingo Redtours cho hay, hình thức lựa chọn tua du lịch trọn gói vẫn có nhưng phổ biến hơn là du lịch tự túc, ưu tiên trải nghiệm cá nhân, đi theo nhóm nhỏ, gia đình. Du khách chủ yếu tìm hiểu trước các địa điểm trải nghiệm qua mạng xã hội và đặt mua các dịch vụ đi kèm để phục vụ chuyến đi. Thay vì kết hợp đi đến nhiều nơi, nhiều địa điểm trong một hành trình, du khách có xu hướng tìm tới những trải nghiệm nghỉ dưỡng, phát triển cảm xúc sau đại dịch. Vì thế, công suất phòng thuộc phân khúc lưu trú cao cấp ở những địa điểm du lịch "hot" được lấp kín rất nhanh.
Ðón đầu sự thay đổi về thói quen, nhu cầu du lịch của du khách sau đại dịch, bên cạnh việc cung cấp các tua du lịch trọn gói với giá cạnh tranh, các công ty du lịch còn liên kết với nhau để tạo ra những combo du lịch hấp dẫn bao gồm vé máy bay, khách sạn, xe đưa đón, hoặc tích hợp cả vé vào cửa, vé tham quan, sử dụng dịch vụ ở những điểm đến nổi bật. Nhiều sản phẩm du lịch mới như tua du lịch đêm, du lịch bằng xe tự lái cùng các loại hình gắn liền nhu cầu chăm sóc sức khỏe như du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, thiền, yoga… cũng được các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác dịp này.
Góp phần làm gia tăng những trải nghiệm của du khách và tạo bàn đạp để kích cầu cho giai đoạn du lịch hè sắp tới, nhiều địa phương đã phối hợp doanh nghiệp tổ chức các hoạt động văn hóa du lịch đặc sắc, tạo điểm nhấn cho kỳ nghỉ lễ năm nay. Tiêu biểu như Quảng Ninh với Carnaval Hạ Long 2022, lễ hội thả diều, khai trương đêm du thuyền, hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP…; Sa Pa (Lào Cai) với lễ hội hoa hồng Fansipan, giải đua Vó ngựa trên mây…; Quảng Nam với đêm nhạc Trịnh Công Sơn và chuỗi các hoạt động trong Năm Du lịch Quốc gia; Ðà Nẵng với đêm nhạc The Rap Show, lễ hội ẩm thực tại Sun World Bà Nà Hills...; Huế với Festival Thuận An biển gọi…
Trước sức nóng của thị trường du lịch 30/4, 1/5, các chuyên gia lưu ý các điểm đến du lịch "hot" cần chuẩn bị sẵn các phương án để đón khách, bảo đảm chất lượng dịch vụ, tránh tình trạng quá tải, hét giá. Rút kinh nghiệm từ một số sự cố đáng tiếc trong cung ứng dịch vụ cho khách dịp nghỉ Tết Nguyên đán và Giỗ Tổ 10/3 vừa qua, ngành du lịch các địa phương cần có kịch bản điều phối khách, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và an toàn cho du khách trong quá trình du lịch; yêu cầu các đơn vị niêm yết giá sản phẩm, dịch vụ công khai để hạn chế việc "chặt chém" giá cả; đồng thời duy trì đường dây nóng, phối hợp các cơ quan liên ngành thực hiện công tác thanh, kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch lành mạnh.
Theo VIỆT ANH (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm