Xã hội

Sức sống mới ở xã anh hùng Ia Blang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau ngày giải phóng, theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, hàng trăm hộ dân ở Thừa Thiên-Huế, Bình Định tự nguyện vào vùng đất Ia Blang (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) xây dựng kinh tế mới. Trải qua những năm tháng khó khăn gian khổ, giờ đây, vùng đất anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trở nên trù phú.
Hành trình vượt khó
Là một trong những hộ dân kinh tế mới định cư đầu tiên ở Ia Blang, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Khôi kể: “Lúc mới đến, nơi đây cỏ dại mọc um tùm. Gia đình tôi cùng những hộ khác bắt tay dựng nhà, khai hoang để trồng cây lương thực. Qua giai đoạn khó khăn trước mắt, chúng tôi nghĩ đến phương án tìm cây trồng lâu dài để vừa xóa đói, vừa phát triển kinh tế. Và cà phê, hồ tiêu bắt đầu xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước”.
Kết quả đã minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn của người dân bởi hiệu quả kinh tế mang lại. Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng, cơ sở hạ tầng ngày một khang trang, phương tiện máy móc phục vụ sản xuất, sinh hoạt cũng được người dân đầu tư.
Gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Thái (thôn 6) giàu lên nhờ tiên phong đầu tư máy móc, kỹ thuật trồng cà phê, hồ tiêu. Năm 1977, ông Thái theo bố mẹ vào định cư tại Ia Blang. Sau đó, ông tham gia quân ngũ và làm nhiệm vụ quốc tế tại tỉnh Preah Vihear (Vương quốc Campuchia). Năm 1990, ông xuất ngũ trở về địa phương. Dù bị thương tật nhưng ông không cam chịu đói nghèo.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên 6 ha hồ tiêu và 3 ha cà phê của gia đình ông quanh năm xanh tốt, năng suất đạt cao, cuộc sống gia đình dần khá giả. Ngồi trong căn biệt thự trị giá hơn 1 tỷ đồng, ông Thái tự hào: “Cây cà phê và hồ tiêu đã giúp gia đình tôi có cuộc sống sung túc. Con cái có điều kiện được học hành đàng hoàng”.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thái (thôn 6, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) trướcngôi nhà khang trang của mình. Ảnh: Đinh Yến
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thái (thôn 6, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) trướcngôi nhà khang trang của mình. Ảnh: Đinh Yến
Ông Nguyễn Trọng Dũng (thôn Vinh Hà) cũng có cuộc sống khá giả nhờ cây cà phê, hồ tiêu. Năm 1980, gia đình ông mạnh dạn trồng thử nghiệm 100 trụ hồ tiêu và vài sào cà phê. Sau một thời gian, ông quyết định mở rộng diện tích. Sau 15 năm, gia đình ông sở hữu gần 10 ha hồ tiêu, cà phê và cao su. Từ năm 1990 đến 2010, 4 ha hồ tiêu và 2 ha cà phê mang lại cho gia đình ông hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nhờ những con người dám nghĩ dám làm và không ngừng học hỏi, sáng tạo, Ia Blang dần trở thành vùng chuyên canh cà phê, hồ tiêu. Nhiều người đưa anh em, họ hàng vào để cùng nhau lập nghiệp. Ia Blang trở thành miền đất hứa của những người có ý chí vươn lên.
Trả ơn đất lành
Không chỉ xây dựng cuộc sống ấm no cho riêng mình, những hộ dân kinh tế mới còn góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc bản địa. Ông Siu Lin-Trưởng thôn Nhă-cho biết: “Từ năm 1998, khi nhìn người Kinh giàu lên nhanh chóng nhờ trồng hồ tiêu và cà phê, nhiều người tìm đến tôi nhờ đứng ra hỏi cách thức trồng, chăm sóc. Sau đó, bà con cũng mạnh dạn làm theo nên đời sống nhanh chóng đổi thay”.
Nhớ lại những năm tháng trước đây, ông Rơ Mah Brê (làng Nhă) bộc bạch: “Ruộng rẫy nhiều nhưng mình chỉ trồng mì, lúa, bắp. Mình chăm chỉ làm lụng nhưng cuối năm chẳng thu được bao nhiêu, thậm chí còn bị đói. Mãi đến năm 2000, mình mới dám vay vốn ngân hàng, học theo người Kinh trồng hồ tiêu, cà phê. Mình tìm đến một số hộ để học hỏi và được chỉ dẫn tận tình”.
3 năm sau, trong vụ thu hoạch đầu tiên, ông Brê thu được 1,5 tạ hồ tiêu. Với giá 100 ngàn đồng/kg, ông Brê đã trả bớt nợ ngân hàng. Đến vụ thu hoạch thứ 2 thì ông hoàn trả hết vốn và có lãi. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục đầu tư trồng thêm 300 trụ hồ tiêu và cứ thế vườn của gia đình ông lên đến 1.000 trụ. Ngoài ra, ông còn trồng 700 cây cà phê và 7 sào lúa nước.
Toàn cảnh xã Ia Blang hôm nay. Ảnh. Đinh Yến
Đường vào xã Ia Blang. Ảnh: Đinh Yến
Theo Trưởng thôn Siu Lin, làng Nhă chỉ còn 3 hộ nghèo do mới tách, 65% hộ khá giả, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng trở lên. 
Chủ tịch UBND xã Ia Blang cho biết thêm, hầu hết người dân trong xã đều tích cực chuyển đổi cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 1,2%. Đây là những hộ có người già cả, neo đơn, không có sức lao động hoặc mới tách hộ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42,5 triệu đồng/năm.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm