TN - Đất & Người

Sức sống mới ở xã đặc biệt khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Kon Gang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực của người dân, bộ mặt nông thôn của xã đã có sự đổi thay mạnh mẽ.

Kon Gang là xã thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án dành cho xã nghèo, nhân dân trong xã đã nỗ lực thi đua phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo.

 

Vườn chanh dây của anh Hy ở làng Ktu, xã Kon Gang. Ảnh: N.Đ
Vườn chanh dây của anh Hy ở làng Ktu, xã Kon Gang. Ảnh: N.Đ

Trong phát triển kinh tế, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa, bắp, mì để đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ; đồng thời đưa cây cà phê, hồ tiêu, cao su vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập. Để hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xã đã kịp thời nhận và cấp các loại giống cây trồng, vật nuôi;  tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, triển khai hiệu quả các mô hình khuyến nông và thành lập các nhóm chung sở thích chăn nuôi bò, trồng cà phê…

Nhờ vậy, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình kinh tế trang trại có hiệu quả. Đến nay, ngoài diện tích lúa, rau xanh và các loại cây ngắn ngày, xã còn có trên 2.351 ha cà phê, 866 ha cao su, trên 83 ha hồ tiêu và đàn gia súc, gia cầm trên 6.560 con. Những năm gần đây, một số hộ dân trong xã đã mạnh dạn đưa các loại cây ăn quả như cam, quýt, bưởi da xanh vào trồng trên diện tích đất trồng lúa thường xuyên bị hạn và thu được hiệu quả tương đối cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã ngày càng giảm; số hộ khá, giàu với mức thu nhập ổn định 200-300 triệu đồng/năm ngày càng tăng. Tiêu biểu như như hộ ông Đô, bà Thuyên (làng Kóp), ông Phong, ông Dua (làng Klot), anh Hy (làng Ktu).  

Anh Hy (làng Ktu, xã Kon Gang) cho biết: “Gia đình  tôi có một mảnh đất trước đây chỉ trồng bời lời, hiệu quả kinh tế rất thấp. Sau khi tham gia các lớp khuyến nông do huyện và xã tổ chức, tôi về chuyển đổi diện tích này sang trồng hồ tiêu, cà phê nên hiệu quả cao hơn. Gia đình tôi đã thoát nghèo và hiện có mức thu nhập hàng năm tương đối khá. Tôi đang dự định trồng thêm hồ tiêu để nâng cao thu nhập”.  

Bên cạnh việc phát triển sản xuất, xã Kon Gang còn sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu  quốc gia để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Riêng năm 2016, từ nguồn vốn của các chương trình, dự  án và vốn huy động nhân dân đóng góp, xã đã xây dựng và sửa chữa được trên 1,5 km đường liên thôn, nội thôn ở các thôn, làng: Ktu, Tam Điệp, Dung Rơ, Krái và Dang, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản và giao lưu trao đổi hàng hóa. Cùng với đó, hệ thống điện, trường học, trạm y tế trên địa bàn xã cũng đã được xây dựng và nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, lao động  sản xuất, học tập của con em trong vùng. Ông Phạm Xuân Phúc-Chủ tịch UBND xã Kon Gang, cho biết: “Với quyết tâm nâng cao đời sống của người dân, làm thay đổi bộ mặt của xã, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Kon Gang đã tranh thủ sự quan tâm của các cấp, nguồn vốn đầu tư của các chương trình để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho người dân. Đồng thời, xã cũng định hướng cho người dân phát triển sản xuất để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững”.

Có thể thấy, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, xã Kon Gang hôm nay đang khoác lên mình chiếc áo mới với gam màu tươi sáng, xứng đáng với truyền thống của một xã anh hùng.

Ngọc Định

Có thể bạn quan tâm