Điểm đến Gia Lai

Sức sống mới trên quê hương Anh hùng Wừu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi về thăm quê hương Anh hùng Wừu (xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vào những ngày tháng 3 lịch sử. Con đường dẫn đến trụ sở UBND xã được thảm nhựa phẳng lì. Hai bên đường là những ngôi nhà cao tầng nằm cạnh vườn cà phê, hồ tiêu, bời lời xanh mướt. Cuộc sống mới đang hiện diện ở vùng quê cách mạng này.

Ký ức một thời

Ông Nguyễn Quang Toàn-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đak Sơ Mei-cho biết: Những cựu chiến binh ở xã giờ còn sống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong số đó có ông Grơp hiện sống ở làng Tul Đoa.

Ông Grơp (bìa phải) cùng ông Nguyễn Quang Toàn ôn lại ký ức những ngày tham gia kháng chiến. Ảnh: Đinh Yến
Ông Grơp (bìa phải) cùng ông Nguyễn Quang Toàn ôn lại ký ức những ngày tham gia kháng chiến. Ảnh: Đinh Yến

Ông Grơp năm nay đã 94 tuổi nhưng còn khá minh mẫn. Nhắc lại những năm tháng sục sôi khí thế cách mạng, ánh mắt người cựu binh già sáng lên niềm tự hào. Ông kể: Những năm 1952 đến 1954, cứ vài ngày, lính Pháp lại vào làng càn quét một lần. Biết được sự thâm hiểm của địch, dân làng vào ở sâu trong núi. Vì thế, lần nào bọn địch vào làng Bok Rei, Tul Đoa, Đê Gôh... càn quét cũng gặp cảnh “vườn không nhà trống”, khiến chúng vô cùng tức giận. Không bắt được người, chúng uống rượu, đập phá và giết hết gia súc, gia cầm. Sau những lần như thế, bà con lại bắt tay làm lại từ đầu.

“Có thời điểm, người dân chỉ ăn củ mài và lá rừng. Dù đói khổ, song dân làng vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, kiên trì bám làng, hăng say lao động sản xuất, tích góp lương thực nuôi bộ đội để chống Pháp và sau này là chống Mỹ. Có lon gạo hay củ mì, bà con đều dành lại phân nửa đem vào rừng tiếp tế bộ đội”-ông Grơp kể.

Là người tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông Grơp chứng kiến bao cảnh thương đau. Bản thân ông hiện giờ vẫn còn 1 viên đạn của địch nằm trong người. Rồi những năm tháng bị địch bắt tù đày ở đảo Phú Quốc, bị địch tra tấn đến gãy cả 2 hàm răng, chọc thủng 1 mắt bên phải, nhưng vẫn không lay chuyển được sự kiên trung của ông. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Grơp là Chủ tịch UBND xã Đak Sơ Mei (năm 1975 đến 1978). Từ năm 1979 đến 1992, ông là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, đến đầu năm 1993 thì nghỉ hưu.

Ngồi trong ngôi nhà sàn truyền thống kiên cố, thương binh Hôi (làng Đê Gôh) đã kể cho chúng tôi nghe về một thời oanh liệt. “Đây là vùng căn cứ kháng chiến nên quân địch đánh phá rất ác liệt. Từ thời chống Pháp, mình đã làm dân quân. Đến thời chống Mỹ, mình là Xã đội trưởng cùng bộ đội tham gia chiến đấu, đánh thắng nhiều trận ác liệt. Có lần mình bị trúng 2 viên đạn vào đùi nhưng may còn giữ được tính mạng”-ông Hôi hồi nhớ. Sau năm 1975, ông Hôi xuất ngũ trở về địa phương, phấn đấu phát triển kinh tế, hiện là hộ giàu nhất làng.

Sức sống mới

Từ ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ, quân và dân xã Đak Sơ Mei cùng chung tay, chung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương. Không những vậy, Đak Sơ Mei chính là nơi sinh ra Anh hùng Wừu. Hiện nay, bên cạnh trụ sở UBND xã, khu lưu niệm Anh hùng Wừu vừa được tu bổ, xây dựng khang trang và đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ông Dom-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Sơ Mei-cho hay: Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân xã Đak Sơ Mei đã nhanh chóng bắt tay vào làm kinh tế. Đặc biệt, việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất lúa rẫy sang trồng cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, hồ tiêu, cao su, bời lời đã giúp đời sống của người dân đổi thay nhanh chóng. Hiện tại, trong 1.362 hộ của xã chỉ còn 211 hộ nghèo. Riêng năm 2020, toàn xã đã giảm được 90 hộ nghèo; số hộ khá, giàu ngày càng tăng lên.

“Toàn xã có 2.716 ha đất sản xuất. Tổng đàn gia súc là 4.097 con, đàn gia cầm hàng chục ngàn con. Mấy năm qua, khi cà phê, hồ tiêu mất mùa, mất giá, người dân đã nhanh chóng chuyển sang đa canh các loại cây trồng như: mì, bắp, đậu, chanh dây... để lấy ngắn nuôi dài. Được sự quan tâm của Nhà nước, cơ sở hạ tầng của xã ngày càng được đầu tư khang trang. Công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, hộ nghèo được thực hiện rất tốt”-ông Dom cho biết thêm.

Thương binh Hôi cùng vợ và cháu bên căn nhà sàn kiên cố, rộng rãi. Ảnh: Đinh Yến
Thương binh Hôi cùng vợ và cháu bên căn nhà sàn kiên cố, rộng rãi. Ảnh: Đinh Yến

Chúng tôi đến làng Đê Gôh để thăm cơ ngơi khang trang của thương binh Hôi. Ông Hôi đã nhiều lần được tuyên dương là thương binh sản xuất giỏi của huyện. Ông cho biết, bước ra từ chiến tranh, cuộc sống hết sức khó khăn. Ông nghĩ muốn nhanh chóng thoát nghèo phải chịu khó sản xuất. Vì thế, thấy nơi nào đất chưa có chủ là ông khai hoang trồng lúa, mì, bắp, bời lời.

“Sau khi chia đất cho các con để sản xuất, vợ chồng tôi hiện đang chăm sóc 1 ha cà phê, 1 ha mì, 1 ha lúa nước 2 vụ, 5 con bò. Thu nhập của gia đình sau khi trừ chi phí còn khoảng 250-300 triệu đồng/năm”-ông Hôi cho hay.

Từ thành công của gia đình, ông Hôi luôn giúp đỡ bà con trong xã để ngày càng có thêm nhiều người được ấm no. Hiện nay, ở làng Đê Gôh có đến 30% hộ khá, giàu. Đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, nhiều hộ xây được nhà ở kiên cố.

Gia đình ông Đinh Nhiếp (làng Tul Đoa) cũng là hộ sản xuất giỏi của xã. Sau khi chia đất cho 10 người con, vợ chồng ông còn 4 ha cà phê, 2 ha lúa nước, 2 ha bời lời, 2 ha mì, 300 trụ hồ tiêu, 4 con bò. Ông thu hơn 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. “Cuộc sống của người dân trong làng ngày càng đổi thay nên ai cũng mừng. Bây giờ, người dân trong làng không còn lo thiếu gạo vào mùa giáp hạt, mà đang phấn đấu làm giàu”-ông Nhiếp chia sẻ.

Thành quả đạt được là cơ sở vững chắc để xã Đak Sơ Mei hướng đến mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện xã đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBND xã Đak Sơ Mei tự tin nói: “Tự hào về truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã tiếp tục đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương”.

ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm