(GLO)- Là một trong những xã biên giới của huyện Ia Grai, xã Ia O đã và đang có những thay đổi từng ngày. Sự chung sức, chung lòng của Đảng, chính quyền và nhân dân nơi vùng phên dậu này đã đem lại sức sống mới cho vùng đất vốn một thời mệnh danh là vùng đất lửa.
Cách trung tâm thị trấn Ia Kha khoảng 40 km và cách TP. Pleiku 65 km về phía Tây-Ia O trong tiềm thức của những con người một thời đi “mở đất” sau hòa bình lặp lại vẫn là một vùng đất hoang sơ đến vô cùng. “Ngày xưa, từ TP. Pleiku để đi đến Ia O có khi mất cả ngày đường. Về mùa mưa chỉ có xe U-oát hay loại xe Bò Vàng của các công ty lâm nghiệp mới chinh phục được xứ sở ấy. Cuộc sống nơi đây thì khỏi nói, khốn khó trăm ngàn bề”-một đồng nghiệp lớn tuổi đi cùng đoàn chia sẻ.
Một góc xã Ia O hôm nay. Ảnh: Lê Hòa |
Đó là chuyện của ngày xưa, là những câu chuyện hiện lên trong ký ức của những con người một thời. Ia O hôm nay đã khác, dù vẫn là một trong những huyện nghèo nhất nhì của huyện biên giới Ia Grai.
Nhờ có các công trình thủy điện được xây dựng trên dòng Sê San, con đường dẫn từ trung tâm huyện Ia Grai (tỉnh lộ 664) đã được đầu tư nâng cấp lên thành hai làn đường nhựa êm mượt. Con đường đã góp phần không nhỏ kéo đời sống kinh tế-xã hội của xã biên giới Ia O về gần hơn trong cuộc đua phát triển với các vùng khác. Hai bên đường là những đồi cao su xanh ngút ngàn, đa số đã vào thời kỳ kinh doanh. Tây Nguyên đang được đánh thức bởi những trận mưa sau cơn khát dài của mùa khô đổ lửa, cây cối ruộm lên một màu xanh tươi mát, tràn trề nhựa sống. Thấp thoáng trong những vườn cây là bóng dáng các công nhân cao su đang khai thác mủ. Tiếp nối những đồi cao su là những mảnh vườn điều, tiêu, mì… trải dài ngút tầm mắt. Một cảm giác tươi vui, no ấm hiện về.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã Ia O là Puih Lợi-đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã còn rất trẻ, năng động và hoạt bát. Lợi là một người con được sinh ra và lớn lên tại vùng đất Ia O này. Lợi kể cho chúng tôi nghe về Ia O quê hương anh hôm nay không chỉ với cái cách của một lãnh đạo địa phương làm nhiệm vụ cung cấp thông tin, mà nơi anh còn toát lên những niềm vui, niềm tự hào của một người con Ia O. “Ia O vẫn còn là một trong những xã nghèo nhất huyện nhưng so với trước đây đã khác lắm rồi. Đó là nhờ có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của nhân dân”-Lợi vẽ nên một bức tranh tổng quát về tình hình xã nhà như vậy.
Cấp phát muối cho người nghèo xã Ia O. Ảnh: Lê Hòa |
Lợi cho biết, đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt gần 1.900 ha, trong đó có 429 ha cây công nghiệp dài ngày: Cao su, điều, tiêu, cà phê…; mỗi năm đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng cho nhân dân trong xã. Những năm qua, chính quyền xã đã chủ động định hướng cho bà con-đặc biệt là bà con người dân tộc thiểu số phát triển các loại cây trồng công nghiệp, cho giá trị kinh tế cao như: cao su, ca cao… Năm 2012 vừa qua, từ nguồn vốn định cư xen ghép, Phòng Kinh tế huyện Ia Grai phối hợp với chính quyền xã đã cấp 15.660 cây cao su cho 27 hộ dân ở làng Mít Jép, cấp 3.600 cây cao su cho 15 hộ dân trong xã từ nguồn vốn sự nghiệp, cấp 3.600 cây ca cao… “Đây là cách để tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với việc sản xuất các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, thay thế những loại cây lương thực như lúa, bắp, khoai, mì… cũng chính là chìa khóa để người dân có thể thoát nghèo và vươn lên làm giàu trong tương lai”-Puih Lợi nhận định.
Ngoài trồng trọt, với lợi thế nguồn thực phẩm chăn nuôi dồi dào nhờ nhiều đồi núi, bà con trong xã cũng tập trung khai thác thế mạnh chăn nuôi. Tổng đàn gia súc, gia cầm của xã đạt trên 7.100 con, trong đó, đàn heo đạt trên 1.300 con, bò trên 1.200 con. Huyện cũng chú trọng hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi, hàng năm có chính sách hỗ trợ, cấp phát giống cho hộ nghèo. Trên địa bàn có 11 đội sản xuất của các công ty 74, 75, 715. Có 2 công trình thủy điện là Sê San 4 và Sê San 4A. Đây là nguồn lực không nhỏ tác động tới sự phát triển hàng năm của địa phương.
Nhà máy Thủy điện Sê San 4 nằm trên địa phận xã Ia O. Ảnh: Lê Hòa |
Tổng thu nhập trên địa bàn trong năm 2012 ước đạt 5,4 tỷ đồng. Kinh tế khởi sắc, số hộ nghèo của xã giảm đều qua các năm. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 38,2%, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Năm học 2012-2013, toàn xã có 1.696 học sinh ở 3 bậc học: Mầm non, Tiểu học, THCS; tỷ lệ duy trì sĩ số tại các trường đạt 98%. Nhiều con em trong xã thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học trong cả nước.
Kinh tế-xã hội ngày càng ổn định chính là tiền đề quan trọng để giữ vững an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội nơi địa bàn trọng yếu của Tổ quốc. “Đảng và chính quyền cùng nhân dân trong xã sẽ nỗ lực hết mình, đoàn kết để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hơn để vùng biên Ia O ngày càng giàu mạnh, vững chắc”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia O-Puih Lợi, nêu quyết tâm.
Lê Hòa