(GLO)- Với những công trình, phần việc cụ thể, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bộ binh 50 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã không ngừng làm “sáng doanh trại, thắm tình quân dân” nơi biên viễn.
Đưa chúng tôi tham quan khu vực nghỉ ngơi dành cho chiến sĩ và thân nhân chiến sĩ, Đại úy Lê Bá Văn-Chính trị viên Tiểu đoàn, giới thiệu: “Đây là sáng kiến và cũng là công trình của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1”. Công trình nhìn khá đơn giản, chỉ với 30 chiếc võng được mắc trên những trụ bê tông dưới hàng cây rợp bóng mát, nhưng lại rất có ý nghĩa với chiến sĩ. “Chiến sĩ có thêm không gian để nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ học tập, huấn luyện mệt nhọc ngoài thao trường. Thân nhân chiến sĩ cũng có nơi trò chuyện, nghỉ ngơi lý tưởng sau khi vượt một chặng đường dài lên thăm con, cháu đang học tập tại đơn vị vào những ngày nghỉ”-Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh-Đại đội trưởng Đại đội 1, vui vẻ cho hay.
Chiến sĩ chăm sóc cảnh quan môi trường. Ảnh: A.H |
Ngoài ra, Tiểu đoàn cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ, như: hòn non bộ, nhà bát giác của Đại đội 3; nhà ba gian hai chái của Tiểu đoàn; cầu ra hồ thiên nga; đường thanh niên lên Trung đội 12,7 mm; nhà máy nước uống; các khẩu hiệu tại khu vực tăng gia sản xuất tập trung; các trụ đèn ghi tên đường theo những mốc thời gian đáng nhớ của đơn vị…
Đặc biệt, hầu hết những công trình này đều do cán bộ, chiến sĩ tự làm. Để có được kết quả ấy, Đại úy Lê Bá Văn cho rằng, đơn vị luôn chú trọng đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy xanh, sạch, đẹp”. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều yên tâm tư tưởng, gắn bó và coi “đơn vị là nhà”. Sau những giờ học tập, huấn luyện, vào các giờ nghỉ, ngày nghỉ, cán bộ, chiến sĩ đều tự giác làm mới không gian sống.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng quan tâm, phát hiện những chiến sĩ có năng khiếu hoặc tay nghề nhất định, qua đó chọn lựa, bồi dưỡng và xây dựng thành lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng cảnh quan môi trường. Đại úy Lê Bá Văn cho biết thêm: Đơn vị đã chọn lựa và thành lập được 5 tổ, đội “khéo tay”, gồm: hàn, cắt tóc, thợ xây, kẻ vẽ, thợ mộc. Hầu hết biển, bảng, pa nô tại các đại đội đều do tổ kẻ vẽ đảm nhận; việc cắt tóc cho cán bộ, chiến sĩ do tổ cắt tóc phụ trách; tổ thợ xây, thợ hàn ghi dấu ấn với một loạt công trình...
Không dừng lại ở những phần việc cụ thể tại đơn vị, dấu ấn của người lính Tiểu đoàn Bộ binh 50 còn được thể hiện qua việc giúp dân ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Đại úy Lê Bá Văn, hàng năm, Tiểu đoàn đều triển khai cho cán bộ, chiến sĩ hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe, không tin theo lời kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục; tham gia giúp dân phát triển kinh tế và quyên góp, ủng hộ áo quần, tập vở tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Ba năm qua, đơn vị đã giúp đỡ cho hộ ông Rơ Lan Nuyn và bà Siu H’Mơch (ở làng Tung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) thoát nghèo bằng hình thức vận động cán bộ, chiến sĩ tham gia ngày công lao động và quyên góp tiền để mua cây, con giống, phân bón hỗ trợ cho các hộ này.
Cụ thể, đơn vị đã giúp mỗi hộ 1 con bò giống, hơn 300 cây cà phê giống, phân bón, máy bơm nước và hàng tháng đều cử cán bộ trực tiếp xuống hướng dẫn gia đình cách làm cỏ, bón phân, ép xanh, tủ ẩm... “Đơn vị đang tiếp tục phối hợp với xã Ia Nan khảo sát, chọn đối tượng để giúp đỡ trong thời gian tới”-Đại úy Lê Bá Văn nhấn mạnh.
Anh Huy