Tiền sử táo bón kéo dài, người phụ nữ 62 tuổi, dân tộc Mường ở Phú Thọ nghe mách uống lá lộc mại (còn gọi là lá du mại) có thể chữa được bệnh nên đã lấy lá sắc nước uống.
Người này đau bụng, vàng da, nước tiểu đỏ, mệt mỏi, ăn kém, chóng mặt. Tình trạng ngày càng nặng nên gia đình đưa bà đến bệnh viện cấp cứu.
Theo bác sĩ Hà Thị Bích Vân-Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh nhập viện trong tình trạng đau bụng thượng vị, vàng mắt, vàng da, chóng mặt, người yếu mệt, buồn nôn kèm tiểu máu.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy hiện tượng tan máu, thiếu máu nặng, men gan tăng cao. Sau khi thực hiện các kiểm tra lâm sàng, cận lâm sàng, kết hợp với bệnh sử, loại trừ các nguyên nhân tan máu khác. Các bác sĩ xác định đây là trường hợp tan máu cấp do ngộ độc lá lộc mại. Bác sĩ áp dụng các biện pháp chống độc, thải độc, truyền máu, thuốc bổ gan cho người bệnh.
Sau 3 ngày điều trị, người bệnh đáp ứng thuốc và tiến triển tốt, tình trạng tan máu đã cải thiện. Người phụ nữ tiếp tục được theo dõi điều trị, hồi phục sức khỏe và sẽ được ra viện trong những ngày tới.
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh. (Ảnh: BVCC) |
Theo bác sĩ Vân, cây lộc mại (hay còn gọi là cây du mại) thường gặp ở các tỉnh miền núi phía Bắc với nhiều loại và hình dạng lá khác nhau. Theo y học cổ truyền, lá lộc mại có tác dụng nhuận tràng (liều nhỏ), tẩy (liều lớn), tiêu độc, sát trùng. Dân gian truyền nhau kinh nghiệm uống nước lá lộc mại để chữa bệnh táo bón, kiết lỵ.
Tuy nhiên việc sử dụng không đúng cách, sai liều lượng có thể dẫn đến ngộ độc. Độc tính của lá lộc mại có thể gây ra hiện tượng nhịp tim nhanh, người mệt yếu, da xanh, ăn không tiêu, đau bụng, đi tiểu màu đỏ.
“Dù chúng tôi đã đưa ra nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của lá lộc mại và các loại lá có độc khác nhưng hàng năm vẫn tiếp nhận nhiều trường hợp người dân sử dụng lá lộc mại chữa bệnh theo truyền miệng”, bác sĩ Vân nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên tự ý sử dụng lá lộc mại để làm thuốc, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện theo các bài thuốc truyền miệng hoặc trên mạng xã hội. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, cần nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế có chuyên khoa cấp cứu-chống độc để được xử trí kịp thời.
Theo Như Loan (VTC News)