Theo kế hoạch, vào tháng 8 năm nay, công trình thủy điện An Khê-Ka Nak sẽ chặn dòng. Khi ấy, hàng ngàn ha đất chìm vào lòng hồ, trong đó có đất ở và đất canh tác của người dân các xã Lơ Ku và Đak Smar (huyện Kbang, Gia Lai). Thế nhưng đến nay, công tác đền bù, hỗ trợ, tái định canh, định cư còn nhiều bất cập.
Người dân chưa có đất sản xuất
Người dân chưa có đất sản xuất
Theo thống kê, để thi công công trình thủy điện này, 360 hộ dân thuộc 2 xã Đak Smar và Lơ Ku phải dời đến nơi ở mới. Cùng với đó, hơn 1.000 ha đất ở và đất canh tác bị ngập nước. Sau khi tiến hành quy hoạch, triển khai xây dựng dự án, Ban Quản lý Thủy điện 7 và UBND huyện Kbang đã thành lập Ban Đền bù và Tái định canh, định cư. Đến nay, toàn huyện đã di dời được 4 làng, đền bù hỗ trợ cho người dân mất đất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, công tác đền bù và hỗ trợ này vẫn còn bất cập. Các hộ dân về khu tái định cư mới hơn 3 tháng nhưng vẫn chưa được bố trí đất sản xuất. Chị Đinh Thị Đương-làng Chợt, xã Đak Smar, cho biết: “Tôi chuyển về làng tái định cư này đã hơn 3 tháng rồi nhưng vẫn chưa có đất để sản xuất”. Không chỉ riêng chị Đương mà hầu hết các hộ dân tái định cư cũng đang mỏi mòn đợi đất.
Khu tái định cư làng Cam, xã Đak Smar, huyện Kbang. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Nhiều bất cập trong tái định cư
Triển khai xây dựng cụm thủy điện Ka Nak, Ban Quản lý Thủy điện 7 sẽ dời 5 làng về khu tái định cư. Mỗi hộ gia đình về khu tái định cư được nhận nhà và các công trình phụ như bếp nấu ăn và nhà vệ sinh. Mỗi ngôi nhà tương ứng với số tiền từ 90 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng. Có thể nói, việc xây dựng các làng tái định cư đã làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi. Tuy nhiên, đó chỉ là nhìn bề ngoài, còn thực tế một số công trình trong các làng tái định cư còn nhiều bất cập. Hệ thống nước phục vụ cho các làng dẫn từ núi về không bền vững, vì nước trên núi có thể khô cạn bất cứ lúc nào. Ở làng Chợt (xã Đak Smar) nước dẫn về được bố trí 5 bể, mỗi bể có vòi chảy nhưng đến nay các van đã hư hỏng, nước cứ chảy tự do. Mất nước nhiều ngày nên người dân đành ra suối và các ao hồ để tìm nước sinh hoạt. Gặp chúng tôi, nhiều người còn tỏ ra bất bình vì đến nay, trạm y tế và trường học vẫn chưa được dời về nơi ở mới, gây nhiều khó khăn cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Phán-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang nói: Đến nay, khu trung tâm vẫn chưa hoàn thành vì vậy trụ sở xã vẫn phải ở chỗ cũ, trường học và trạm y tế cũng thế, nên gây không ít khó khăn cho người dân. Chúng tôi vẫn đang đốc thúc các bên liên quan khẩn trương thi công để bàn giao cho địa phương.
Không chỉ khu trung tâm của xã chậm tiến độ mà khi khảo sát xây dựng các làng tái định cư, cơ quan chức năng đã không tính đến việc chăn nuôi của bà con. Mỗi hộ tái định cư được xây dựng nhà vệ sinh nhưng do xa nguồn nước nên chúng chỉ là nơi chứa đồ đạc, gây lãng phí. Nhà tái định cư xây thấp, nấu nướng khói mù nên người dân tự làm cho mình một ngôi nhà sàn bên cạnh để ở và đun nấu.
Mới đây, Bộ Công thương đã cử đoàn công tác đến kiểm tra tiến độ xây dựng công trình này. Ủy ban Nhân dân huyện Kbang và UBND thị xã An Khê cũng đã không đồng tình vì việc thi công các công trình phục vụ dân sinh quá chậm, người dân vẫn chưa nhận đủ tiền đền bù và hỗ trợ. Đại diện Bộ Công thương đã yêu cầu chủ dự án nhanh chóng giải quyết những tồn tại. Tuy nhiên nếu không có động thái tích cực từ chủ dự án và chính quyền các cấp không kiên quyết ra tay thì người dân vùng dự án sẽ phải tiếp tục chờ đợi!
Trong buổi làm việc với Bộ Công thương, lãnh đạo huyện Kbang đã phát biểu dứt khoát: Nếu việc tái định canh, định cư và đền bù, hỗ trợ chưa được chủ dự án hoàn thành thì huyện sẽ không cho chặn dòng!
Vĩnh Hoàng