(GLO)- Trong 10 tháng năm 2018, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 308 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 203 người, bị thương 318 người. Tai nạn giao thông luôn là nỗi ám ảnh của xã hội. Để giảm thiểu TNGT, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho mỗi người, mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng.
Nỗi đau của người ở lại
Vợ chồng anh Rơ Mah Alun-chị Ksor Ayen (làng Băng, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai) mở một quán ăn nhỏ trong làng. Ngày 1-3-2018, trong lúc đi qua thị trấn Chư Sê lấy hàng, anh chị chẳng may bị một chiếc ô tô tải lưu thông cùng chiều tông vào. Hậu quả, anh Alun tử vong, chị Ayen bị thương rất nặng. Hai đứa trẻ phút chốc rơi vào cảnh mồ côi cha.
Ngót một năm nay, đều đặn ngày hai bận sớm tối, chị Kpah Me (làng Jit Rông 2, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) lại nắm cơm đem ra nhà mồ cho con trai Kpah Niêm (SN 2006). Bức di ảnh của Niêm đặt trên trang thờ là tấm ảnh thẻ thời còn đi học được phóng lớn, gương mặt non nớt. Cách đó chỉ vài bước chân là mộ của Rơ Lan Lang. Niêm và Lang ở cùng làng, là anh em họ hàng xa với nhau. Hai anh em tông xe vào nhau và cùng tử vong sau vụ tai nạn xảy ra ngày 29-1-2018, ngay tại đoạn đường gần nhà.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Ảnh: Đức Thụy |
Chị Kpah Me kể lại: Chiều hôm ấy, sau một ngày lùa bò lên rừng, Niêm chạy ra quán internet đầu làng chơi game. Hơn 7 giờ tối, Niêm mượn xe máy của người cậu họ chạy về nhà tắm rửa, ăn tối. Đi được một đoạn thì xảy ra tai nạn với xe của Lang. Do cả hai đều chạy nhanh, xe của Niêm lại không có đèn nên tông vào nhau. “Khi người làng chạy đến nhà báo tin, mình đã ngã quỵ. Nhà không có tiền, phải gom góp vay mượn người thân được 10 triệu đồng để đưa hai đứa đi cấp cứu nhưng không đứa nào qua khỏi. Thương thằng Niêm, trước khi xảy ra tai nạn còn chưa kịp tắm rửa, ăn bữa tối”-chị Me khóc kể lại.
Về phía gia đình anh Lang, nỗi đau cũng đến tột cùng khi anh sắp lấy vợ. Lang và người yêu đã xin phép và được hai bên gia đình đồng ý cho thành vợ chồng. Nhưng do cha mẹ Lang đang xây nhà nên phải lùi thời gian đám cưới, đợi cha mẹ lo việc xong mới tổ chức. “Hôm nó đi, nhà tôi mới vừa làm xong phần móng. Thương nó quá!”-chị Rơ Lan Mun (mẹ của Lang) ngậm ngùi nói.
Ám ảnh khôn nguôi
Tai nạn giao thông không chỉ gây ra nỗi đau cho người bị nạn và thân nhân của họ mà còn khiến người gây tai nạn bị ám ảnh khôn nguôi. Trường hợp anh Nguyễn Văn Chiến (tổ 3, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) là một ví dụ. Cách đây gần 10 năm, anh Chiến lái xe thuê cho một cửa hàng vật liệu xây dựng. Trong một chuyến chở vật liệu đi giao cho khách, một người phụ nữ điều khiển xe máy đi bên cạnh trượt ngã ngay đầu xe của anh Chiến và bị bánh xe tải chèn qua. Hình ảnh về cái chết của người phụ nữ xấu số ngay dưới bánh xe của mình đã khiến anh Chiến ám ảnh đến phát bệnh. Từ đó đến nay, anh luôn sống trong trạng thái mất bình tĩnh, không chịu được áp lực và không thể lao động kiếm sống lo cho gia đình. Gánh nặng gia đình dồn hết lên vai chị Nguyễn Thị Lượng (vợ anh Chiến). Chị phải làm thuê làm mướn đủ việc để nuôi 2 đứa con đi học và lo thuốc men cho chồng. “Người mất thì đã mất nhưng chồng tôi bao năm nay cũng sống khổ sở, vật vã, hoảng loạn dù anh không sai trong vụ tai nạn đó. Cuộc sống gia đình tôi đảo lộn hoàn toàn. Tôi chỉ ước giá như mọi chuyện không xảy ra”-chị Lượng tâm sự.
Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh-cho biết: “Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ TNGT cho chính mình và người thân, điều quan trọng nhất là mỗi người cần có ý thức tự bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Để làm được điều đó, mỗi cá nhân khi tham gia giao thông phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông Đường bộ. Song song với đó, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuần tra kiểm soát để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, giảm thiểu tối đa các nguy cơ gây TNGT”.
Lê Hòa