Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Tài nguyên vàng, nhìn từ vương quốc Chămpa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Vùng đất Quảng Nam xưa thuộc vương quốc Chămpa là một nơi giàu tài nguyên, khoáng sản; trong đó có vàng. Trên cơ sở đó, vùng đất này hình thành sự giao thương mạnh mẽ với các quốc gia trong khu vực, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...

 Đầu tượng thần Siva bằng vàng được tìm thấy ở Đại Lộc năm 1997. Ảnh: internet
Đầu tượng thần Siva bằng vàng được tìm thấy ở Đại Lộc năm 1997. Ảnh: internet


Từ tư liệu về vương quốc Chămpa

TS. Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam) dẫn bài viết của tác giả Cao Xuân Phổ trong giáo trình đào tạo sau đại học “Những ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ vào Việt Nam”. Cụ thể: “Vào khoảng nửa đầu thế kỷ 1 sau Công nguyên chắc chắn đã có sự tiếp xúc giữa những người mang văn hóa Ấn Độ với những người dân bản địa 3 vùng Bắc - Trung - Nam nước ta lúc bấy giờ… Nhiều tu sĩ đến tu và truyền giáo ở nước ta, đó là cơ sở hình thành một lớp văn minh Phật giáo - Bà la môn giáo đầu tiên…”. Trong cuốn “Văn hóa Chămpa - cội nguồn và những ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ”, TS. Lê Đình Phụng cho rằng: “Trong 5 tuyến đường biển mà văn hóa Ấn Độ vào nước ta đáng chú ý là các tuyến vào Ninh Thuận - Bình Thuận - Khánh Hòa - Phú Yên, tuyến vào Bình Định, Quảng Nam là những điểm văn hóa Ấn Độ dừng chân và phát triển thuộc địa bàn cư dân Chăm cổ hình thành nên nền văn hóa Chăm sau này. Theo các nhà nghiên cứu, hấp lực đầu tiên đến Đông Nam Á là buôn bán trao đổi thương mại, nhất là tìm kiếm vàng chứ chưa phải là truyền giáo”.

Việc khai thác vàng ở thời kỳ này, vẫn chưa có nguồn tư liệu đề cập một cách rõ ràng, đầy đủ. Tuy nhiên, những câu chuyện và sản phẩm từ vàng được thể hiện rất nhiều… Dẫn theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, tác giả Trần Kỳ Phương với công trình nghiên cứu “Phật viện Đồng Dương và cuộc giao tranh đầu tiên giữa Đại Việt với Chiêm Thành” cho biết: Vào năm 982, Lê Hoàn đã đem quân tiến chiếm kinh đô Chiêm Thành, “vua thân [chinh] đi đánh Chiêm Thành, thắng được. Trước đó vua sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm bắt giữ. Vua giận, sai đóng chiến thuyền, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Bê Mi Thuế [Paramesvaravarman?] tại trận. Chiêm Thành thua to. Bắt sống được quân sĩ của chúng nhiều vô kể, cùng với kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn; san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh đô.

Qua nghiên cứu văn minh Chămpa, hai tác giả Trần Kỳ Phương và Bùi Chí Trung cùng nhận định: “Kỹ thuật luyện kim, chế tác vàng bạc và các loại trang sức quý cũng rất phát triển. Nhiều kiểu trang sức đẹp bằng vàng ngọc được chạm trổ cầu kỳ thể hiện trên nhiều pho tượng sa thạch cũng như nhiều bộ trang sức bằng kim loại quý là đồ tế nhuyễn đã được tìm thấy tại hầu hết các di tích đền - tháp”.

Còn sử sách Trung Hoa như “Nam Tề thư” (Lâm Ấp liệt truyện), bản Tiêu Lương do Tiêu Tử Hiển soạn, cho biết: “Nước Lâm Ấp có núi vàng, quặng vàng chảy ra ở bờ sông. Người nước ấy theo đạo Ni kiền, đúc tượng người vàng bạc lớn đến mười vòng tay ôm. Năm Nguyên Gia thứ hai mươi hai, Giao châu thứ sử là Đàn Hòa Chi đánh nước Lâm Ấp, Dương Mại muốn đem dâng một vạn cân vàng, mười vạn cân bạc, ba mươi vạn cân đồng và trả lại đất quận Nhật Nam. Đại thần là Độc Tăng Đạt can ngăn, [Dương Mại] không nghe. Hòa Chi tiến binh đến phá thành Khu Túc của người man mọi ở phía bắc nước ấy, thu được đồ vàng báu không sao kể hết, hủy tượng người vàng mà lấy được mấy vạn cân vàng, lấy được các vật báu khác cũng bằng từng ấy”. Theo sử sách Trung Hoa, nước Lâm Ấp vốn thuộc huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam (vùng Trà Kiệu, tỉnh Quảng Nam hiện nay).

Đến sử liệu thời chúa Nguyễn

Khác với những tư liệu còn mang tính dã sử và dữ liệu sơ sài trên, trong “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn ghi chép một cách rất rõ ràng, cụ thể; thể hiện tài nguyên vàng ở xứ Quảng Nam cũng như cách thức khai thác, cống nạp cho chúa Nguyễn thời bấy giờ.

Theo đó, Lê Quý Đôn viết: “Xứ Quảng Nam có nhiều núi sản xuất vàng. Họ Nguyễn đặt hộ đãi vàng ở các phủ gọi là Kim hộ, mỗi thuộc hơn 40 thôn phường, được miễn suất lĩnh, cho đi lấy vàng. Ở trưởng vàng có quan chánh cai ti Ngân tượng theo đi để nấu; có ty Nội lệnh sử cắt lượt nhau đi thu, chiếu số người chính hộ, khách hộ là bao nhiêu, hằng năm nộp thuế vàng sống hoặc 3 đồng cân, hoặc 2 đồng cân nộp ở quan cai thuộc, giao cho ty Ngân lượng nấu luyện thành hốt, cân và nghiệm để đem ra nạp ở quan câu kê. Năm nào không tìm được vàng, thì theo giá vàng mỗi hốt 200 quan, mỗi suất phải nộp thay bằng tiền 4 quan. Lấy được nhiều vàng, thuế cũng không tăng… Xét số năm Kỷ Sửu (1769), thuộc Kim hộ phủ Thăng Hoa, cùng xã Đức Hòa biệt nạp thì số người, số vàng, số tiền gạo là chính khách hộ cộng 5.424 người, trừ các chức 66 người, hạng lính các thuyền 202 người, hạng tiêu sai 2 người, nhiêu phu các thuyền 764 người, hạng cùng đào khách hộ 264 người, vi tử khách hộ cấp ngụ lộc 2.885 người, còn thực nạp 2.242 người, nạp thuế và sai dư bản hạng là 21 hốt 8 lạng 7 đồng cân 7 phân vàng, lại thu các tiền cộng 1.663 quan 8 tiền…”

Lê Quý Đôn cũng ghi rõ cách thức khai thác vàng thời đó: “Xứ Quảng Nam, các núi Trà Nô, Trà Tế nguồn Thu Bồn, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa sản vàng, năm xưa khí vàng phát mạnh thường đi một lối ngoằn nghèo từ trong đất, khi bốc lên cũng có lúc đi thẳng, có lúc đi ngang suốt qua núi khác. Chỗ có vàng thì đất mềm, chỗ không có vàng thì đất rắn, dân thuộc đến đầu núi tìm thấy mạch, đào lấy đất, làm nhà để che, chứa đất thành đống, múc nước dội vào, chỗ đất đào hoặc sâu đến hơn nghìn thước. Rửa đi một ngày, thường được vàng vụn đầy một bong bóng trâu, nộp vào trường để nấu đúc. Cũng có người làm giả, nghiền nhỏ tiền Khang Hy trộn lẫn vào cho nặng cân lạng, nhưng lấy bông mà xoa chấm thì mảnh vụn của tiền nhẹ dính hết vào bông, mảnh vụn của vàng nặng thì không dính vào được. Như thế mới được vàng thực”.

Về hình thức giao thương, “Phủ biên tạp lục” có ghi: “Ngoại tả quốc phó trước là Trương Phúc Loan thường được cấp nguồn ấy làm ngụ lộc, cho người nhà là Án Điện trưng thu, hơn 20 năm được vàng không biết bao nhiêu mà kể. Người địa phương có tên Giang Huyền là thông gia với Án Điện mua riêng một núi, tự khai lấy đem bán các nơi, hắn đem đến phố Hội An bán cho nhà buôn khách, hằng năm không dưới hơn nghìn hốt… Nguồn Thu Bồn, theo lệ thì những người buôn ở nguồn cứ theo số vàng thuế mấy phần, lĩnh thẻ thuế ở quan Hộ bộ, đến các núi ở đầu nguồn đãi cát lấy vàng, được nhiều thì theo bản phần mà nộp thuế, không được cũng phải mua vàng mà bồi đủ thuế. Người buôn tha hồ đào lấy, không hạng số, cốt đủ thuế thôi…”.

Có thể thấy, tài nguyên vàng xứ Quảng được ghi chép từ rất sớm trong sử liệu. Vấn đề là làm sao để khai thác nguồn tài nguyên ấy hợp lý, không ảnh hưởng đến môi trường, góp phần làm giàu xứ sở đến nay vẫn còn dang dở...

 

https://baoquangnam.vn/van-hoa/tai-nguyen-vang-nhin-tu-vuong-quoc-champa-117518.html

 

Theo ANH QUÂN (QNO)

Có thể bạn quan tâm