Kinh tế

Doanh nghiệp

Tài xế xe bồn và những cung đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để có một bài viết sinh động về sự vất vả, gian truân của các tài xế xe bồn, tôi đã có một hành trình trải nghiệm đầy thú vị cùng với anh Phạm Quang Vinh-tài xế Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên lên tận xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) để giao hàng.
 

Đoàn xe bồn của Công ty vượt đèo An Khê. Ảnh: Duy Lê

3 giờ sáng, anh Phạm Quang Vinh đã thức giấc bắt đầu một ngày làm việc của mình. Sau khi đến Công ty nhận xe, anh điều khiển xe chạy thẳng xuống kho xăng dầu Quy Nhơn để nhận hàng rồi quay ngược về Gia Lai. Đúng 2 giờ chiều, chiếc xe có mặt tại trụ sở Công ty (274 Lê Duẩn, TP. Pleiku) và hành trình của tôi bắt đầu từ đây.

Ngồi trên chiếc xe cao ngất phải leo qua 2 bậc thang mới tới quả là trải nghiệm đầy thú vị đối với tôi. Con đường Hùng Vương hàng ngày quen thuộc là vậy, thế mà khi ngồi trên chiếc xe bồn bề thế ấy, tôi lại có cảm giác thật kỳ lạ, dường như con đường nhỏ lại, nguy hiểm hơn, nhất là khu vực đang sửa chữa. Phải là tay lái điêu luyện, đầy kinh nghiệm đường trường mới có thể điều khiển chiếc xe bồn nặng mười mấy tấn ôm cua, vượt qua chặng đường chật hẹp đó… “Học hết lớp 9 anh đã theo ba đi phụ xe rồi học nghề và gắn bó đến tận bây giờ. Nhìn lại đã ngót nghét 30 năm theo nghiệp lái xe”-anh Vinh tâm sự.

Bỏ lại phố xá đông đúc, chiếc xe chở chúng tôi đi theo tỉnh lộ 664 tiến thẳng vào huyện Ia Grai. Suốt chặng đường đi vào thị trấn Ia Kha, đường thông thoáng và khá vắng nên xe chúng tôi đi khá thuận lợi. Câu chuyện về nghề lái xe của chúng tôi vẫn tiếp tục. Với giọng nói trầm đều, anh Vinh kể cho tôi nghe về những ngày chở xăng dầu vào công trình Thủy điện Sê San 4: “Hồi đó, đường đất khó đi lắm, nếu gặp trời mưa chỉ có cách bỏ xe lại, kiếm tạm chỗ nào nghỉ, đợi nắng lên rồi mới dám đi tiếp. Ăn đường, ngủ đường chẳng còn là chuyện xa lạ đối với tài xế xe bồn chúng tôi, nhưng sợ nhất vẫn là khi xe hư dọc đường, để tìm được thợ đến sửa có khi phải mất vài ngày... Thức dậy từ 2, 3 giờ sáng và về nhà lúc 10, 11 giờ đêm là chuyện bình thường. Còn nếu đi giao hàng ở Lào, Campuchia thì hành trình sẽ kéo dài vài ngày”.

Mải trò chuyện, xe chúng tôi đã chuyển hướng qua quốc lộ 14C, theo kế hoạch xe sẽ giao hàng tại Cửa hàng xăng dầu Quang Hợp Phát (xã Ia Chía, huyện Ia Grai). Vì vậy, đến ngã ba xe tăng, bác tài điều khiển xe rẽ hướng vào xã Ia Chía. Con đường tuy nhỏ nhưng dễ đi, 2 bên là những rặng điều trĩu quả, đang vào mùa chín rộ, khung cảnh thật yên bình. Xe đang bon bon chạy hướng vào xã Ia Chía, nhìn thấy cây cầu từ phía xa, anh Vinh liền giảm tốc độ. Thế nhưng, xe vừa đến giữa cầu bỗng xuất hiện 2 chiếc xe máy chở 4 thanh niên lạ mặt chặn ngay đầu xe. Mặc dù anh Vinh bóp còi xin đường nhiều lần nhưng những thanh niên kia không chịu nhường đường, thậm chí một thanh niên còn xuống xe thách thức. Mãi khi thấy tôi lấy máy ảnh ra chụp, mấy thanh niên này mới chịu rời đi. Đây có lẽ là đoạn đường đáng nhớ nhất của tôi. Những cảm xúc lãng mạn về một làng quê thanh bình của tôi bị khựng lại, một chút hoang mang chợt xuất hiện trong khi chặng đường chúng tôi chỉ mới được một phần ba.

 

Đội xe bồn của Công ty hiện có 20 chiếc xe với 33 tài xế, năng lực vận chuyển 410 m3/chuyến/ngày. Trong năm 2015, đội đã vận chuyển được 97.000 m3 xăng dầu (vượt 15% so với kế hoạch). Dự kiến trong năm 2016, đội sẽ vận chuyển 112.000 m3.

Mắt vẫn hướng thẳng về phía trước, tay đặt trên vô văng, anh Vinh chậm rãi trấn an: “Chuyện như vậy không phải lần đầu tiên cánh lái xe tụi anh gặp, nhiều lần còn gay cấn hơn, nhất là thời điểm đêm khuya vắng”. Như tự an ủi mình, anh nói tiếp: “Nghiệp lái xe là vậy, rủi ro rình rập khắp nơi. Bởi vậy, lúc nào cũng phải vững tay lái, quan sát 2 bên đường, nhất là đối với nghề lái xe bồn chở xăng thì việc đảm bảo an toàn là điều tối thượng”.

Quá trình giao hàng tại đại lý của Công ty là Doanh nghiệp tư nhân Quang Hợp Phát diễn ra khá thuận lợi dù vị trí hầm chứa hơi chật. Xe chúng tôi lại tiếp tục hành trình lên xã biên giới Ia O để giao hàng cho đại lý là Doanh nghiệp tư nhân Nguyên Giáp. Trực tiếp giám sát việc nhập hàng, chị Phạm Thị Kiền-Chủ Doanh nghiệp tư nhân Nguyên Giáp cho biết: “Gần 10 năm lấy hàng của Công ty, chưa bao giờ xảy ra sự cố nào. Vì vậy, doanh nghiệp luôn tin tưởng vào chất lượng xăng dầu của Công ty. Bên cạnh đó, chế độ hoa hồng, ưu đãi của Công ty cũng khá tốt, việc giao hàng luôn đảm bảo thời gian”.

Khi chiếc xe bồn chở 25 m3 xăng dầu đã giao hết thì mặt trời đã lặn sau dãy núi, xe chúng tôi lăn bánh quay ngược về TP. Pleiku. Đúng 8 giờ tối, chúng tôi về đến Công ty-điểm xuất phát-kết thúc hành trình gần 150 km… Dù quãng đường đó chưa phải là nhiều nhưng chừng đó thôi, tôi cũng đủ thấm thía được bao vất vả, nhọc nhằn của các anh tài xế xe bồn chở xăng.

 Lê Lan

Có thể bạn quan tâm