Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Tấm gương Hồ Chí Minh - Rèn luyện đạo đức cách mạng và thực hiện tập trung dân chủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Đảng có vững mạnh cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[1], Nguyễn Ái Quốc đã viết như vậy từ trước khi Đảng ra đời trong tác phẩm Đường cách mệnh nổi tiếng của mình. Trong những dòng cuối cùng để lại trong Di chúc, Người nhấn mạnh: “Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”[2]. Người gắn việc chỉnh đốn Đảng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng: “Chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”[3].
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà ăn tập thể của công nhân nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá Hà Nội tháng 1-1961. Ảnh tư liệu

Điều được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là phòng và chữa những “căn bệnh” dễ mắc phải của tổ chức và đội ngũ cán bộ. Tháng 10-1947, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai của nhân dân ta còn đang trong tình thế khó khăn, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, như một cuốn “cẩm nang” nhằm giáo dục, rèn luyện cho cán bộ, đảng viên biết cách giữ vững những nguyên tắc trong hoạt động của các tổ chức Đảng, bảo đảm cho bộ máy của Đảng vừa phát huy được dân chủ và giữ vững được kỷ cương, luôn bám sát được tình hình và kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

Căn nguyên sâu xa của mọi triệu chứng suy thoái, biến chất về đạo đức nói riêng và các loại suy thoái khác nói chung ở mỗi người được Hồ Chí Minh chỉ rõ là: chủ nghĩa cá nhân. Đó là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng, tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm suy yếu tổ chức Đảng. Qua những cán bộ đã bị “nhiễm bệnh”, các tổ chức của Đảng, của Nhà nước và các đoàn thể bị suy yếu, pháp luật bị khinh nhờn, kỷ cương bị buông lỏng, đạo đức bị xuống cấp, nhân dân mất lòng tin vào Đảng, vào Chính phủ. Hồ Chí Minh đã nêu một luận điểm quan trọng: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[4]. Đây là lời cảnh tỉnh sâu sắc với toàn Đảng và với mỗi đảng viên. Người còn nói rõ hơn: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”[5].

Khi một cán bộ, một tổ chức đã bị “nhiễm”, chủ nghĩa cá nhân sẽ “lây lan” và “phát tác” dưới nhiều biểu hiện. Hồ Chí Minh đã chỉ ra những “triệu chứng bệnh” nguy hiểm như:

- Bệnh kiêu ngạo phá hoại Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Nó làm Đảng xa dân, kìm hãm sự tiến bộ.

- Bệnh địa phương cục bộ làm tổn hại lợi ích chung, phá vỡ sự điều hành quản lý vĩ mô.

- Óc bè phái làm nội bộ mất đoàn kết, làm Đảng mất cán bộ và hỏng việc, những người tài đức không được dùng nếu không là “cánh hẩu” với người lãnh đạo...

- Bệnh quân phiệt quan liêu là bệnh có nguồn gốc sâu xa, tồn tại dai dẳng và gây tác hại to lớn lâu dài. Đây là sự tha hóa của con người khi có quyền lực và lạm dụng quyền lực.

- Óc hẹp hòi thể hiện ở nhiều dạng vẻ khác nhau nhưng đều cản trở công việc chung, người hẹp hòi thì ít kẻ giúp, đoàn thể hẹp hòi thì không thể phát triển.

- Vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, làm trái phép nước, coi thường pháp luật. Cán bộ mắc bệnh này làm dân mất lòng tin vào Đảng, vào chính quyền, vào pháp luật.

- Ích kỷ, tham nhũng, hủ hoá là những căn bệnh nguy hiểm rất dễ mắc và rất phổ biến.

Hồ Chí Minh đã nhìn rõ những nguy cơ và tìm được cách chữa trị những “căn bệnh” nguy hiểm đó. Phương thuốc hữu hiệu nhất được Người chỉ rõ là: Nâng cao đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thực hiện tự phê bình và phê bình một cách thành thực, nghiêm túc. Những nguyên tắc xây dựng nền đạo đức cách mạng được Người vạch ra như những định hướng để Đảng lãnh đạo cũng như cho việc rèn luyện của mỗi cá nhân là:

- Nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức

- Xây phải đi đôi với chống

- Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.

Người cũng yêu cầu công việc đấu tranh nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân phải được toàn Đảng và mỗi đảng viên tiến hành kiên quyết và bền bỉ.

Khi xây dựng tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể quần chúng, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Sức mạnh chiến đấu của tổ chức dựa trên sức mạnh và hiệu quả của tập trung dân chủ, của việc thực hành dân chủ và tập trung một cách tự giác và nhất quán trong các tổ chức và của mỗi thành viên. Có dân chủ mới thúc đẩy và phát huy tính chủ động, sáng tạo, mới nuôi dưỡng và phát triển được tài năng. Có tập trung sức mạnh mới được nhân lên, mới thống nhất được ý chí và hành động vì mục tiêu chung của cách mạng. Nguyên tắc tập trung dân chủ quy định sự lãnh đạo tập trung trên cơ sở tôn trọng và phát huy dân chủ. Hồ Chí Minh diễn đạt điều này một cách cô đọng:

“Tập thể lãnh đạo là dân chủ

Cá nhân phụ trách là tập trung”[6]

Hơn thế, Hồ Chí Minh còn có nhiều sáng tạo, bổ sung, phát triển nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc thực hành nguyên tắc này. Người chủ trương: “Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết” để “Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”[7]. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trong công việc cũng như trong sinh hoạt hàng ngày, Hồ Chí Minh luôn nêu gương mẫu mực trong việc thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ. Ở Người, trí tuệ sáng suốt với tầm nhìn xa chiến lược và uy tín của một lãnh tụ được kết hợp hài hòa với sức mạnh của tổ chức, trí tuệ của tập thể. Trong mỗi công việc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng về sự kết hợp hài hòa giữa dân chủ và tập trung.

Việc học tập tấm gương đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh đã được Đảng phát động và các cán bộ, đảng viên thực hiện hôm nay cũng bao gồm những nội dung nâng cao đạo đức cách mạng và thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ như những lời căn dặn của Người để Đảng thật sự trong sạch, thật sự vững mạnh, “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[8].

[1] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, Tập 2, tr 289

[2] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, Tập 15, tr 616

[3] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, Tập 15, tr 616

[4] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, Tập 15, tr 672

[5] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, Tập 11, tr 611

[6] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, Tập 5, tr 620

[7] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd - Tập 5, tr 338

[8] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, Tập 15, tr 611 - 612

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm