Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Tâm huyết với nghề truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù đã 61 tuổi nhưng ông Rơ Châm Nguich (làng Dút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vẫn đam mê với nghề đan lát. Những sản phẩm làm ra không chỉ giúp ông có thêm thu nhập mà còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống. 
Chúng tôi gặp ông Nguich vào một buổi chiều muộn, khi ông đang miệt mài đan gùi. Nói về nghề đã gắn bó, ông Nguich chia sẻ: “Mình biết đan gùi từ khi 10 tuổi. Làng mình hồi đó nhiều người biết đan gùi lắm, bố mất sớm nên mình học đan gùi từ các chú. Nhờ chăm chỉ học cùng với chút khéo léo nên mình đan rất nhanh”. Để chúng tôi hiểu rõ hơn, ông Nguich mang ra một số vật dụng như: gùi, rổ, rá… mà ông tự đan để sử dụng trong gia đình. Tuy nhiên, ông đan gùi là chủ yếu, bởi đây là vật dụng không thể thiếu của đồng bào Jrai khi lên rẫy, đi chợ hay đựng đồ đạc trong gia đình.
Tùy vào mục đích sử dụng mà ông Nguich đan gùi với nhiều hình dạng, kích cỡ khác nhau. Gùi dùng để đựng trái cây, đồ đi làm rẫy thì đan thưa hơn. Các loại gùi kín, dày mất nhiều thời gian và tỉ mỉ dùng để đựng gạo, bắp, hạt giống... Đặc biệt, những chiếc gùi dùng để biểu diễn trong lễ hội thì đan công phu hơn và không thể thiếu hoa văn truyền thống của người Jrai. Ngoài ra, ông còn làm những chiếc gùi kích thước nhỏ để bán làm quà lưu niệm. 
Ông Rơ Châm Nguich đan gùi bằng các sợi dây nhựa. Ảnh: Phan Lài
Ông Rơ Châm Nguich đan gùi bằng các sợi dây nhựa. Ảnh: Phan Lài
Để làm ra một chiếc gùi đẹp và bền, ông Nguich phải mất 2-3 ngày. Trước đó, việc chuẩn bị vật liệu cũng khá vất vả. Ông phải vào rừng kiếm tre, nứa “vừa tuổi” để uốn có độ dẻo, không non quá và cũng không già quá. Sau đó đem ngâm nước, phơi khô rồi chẻ và chuốt cẩn thận các sợi nan cho thật đều. Với những chiếc gùi có hoa văn, họa tiết, ông Nguich tính toán, sắp xếp hợp lý màu sắc, rồi đan, điểm xuyết khéo léo. Tâm huyết với nghề nên ông cẩn thận, tỉ mỉ để làm ra những vật dụng ưng ý. “Tre, nứa, mây rừng ngày trước nhiều lắm nhưng giờ bị chặt gần hết. Mỗi tháng, mình đi rừng tìm vật liệu một lần, đi xa lắm nhưng cũng không có nhiều. Nhiều khi phải đặt mua từ nơi khác”-ông Nguich tâm sự.
Cách đây 3 năm, trong một lần ngang qua bãi rác, thấy dây nhựa dùng để buộc vật liệu, ông Nguich liền thu lượm về, rửa sạch rồi nghĩ cách sử dụng. Nhận thấy vật liệu này dẻo, khó đứt, ông liền mày mò dùng để đan gùi và thấy sản phẩm cũng bền, đẹp chẳng kém gùi làm bằng tre, nứa. Ông Nguich cho hay: “Tình cờ nhưng lại hay, vừa tận dụng thứ bỏ đi để làm nên vật dụng hữu ích vừa góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế chất thải nhựa”. 
Sản phẩm ông Nguich làm ra được nhiều người yêu thích. Tùy theo kích cỡ, vật liệu, họa tiết, mỗi chiếc gùi được bán với giá 100-300 ngàn đồng. Trung bình mỗi tháng, ông Nguich bán được 7-10 chiếc gùi, thu nhập cũng đủ chi phí sinh hoạt gia đình. Bà Ksor Hayut chia sẻ: “Nhà mình đang sử dụng 4 chiếc gùi do ông Nguich đan. Gùi bằng nhựa mình dùng để đi rẫy, đựng đồ nặng. Gùi bằng tre, nứa thì đi chợ”. 
Ngoài ra, với vai trò già làng, ông Nguich thường lồng ghép tuyên truyền bà con gìn giữ nghề truyền thống. Những người có nhu cầu học nghề đều được ông hướng dẫn miễn phí với mong muốn gìn giữ nghề do cha ông để lại. Không chỉ giỏi đan gùi, ông Nguich còn giỏi chơi nhạc cụ, thuộc nhiều bài dân ca Jrai.
Ông Siu Hnit-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr: Nhờ sự tâm huyết, đam mê với nghề, ông Nguich đã góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người Jrai. Cùng với đó, sự sáng tạo, tái chế vật liệu để đan gùi của ông đã góp phần bảo vệ môi trường, rất đáng để biểu dương, nhân rộng.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm