Vỡ đập là một trong những thảm họa tàn khốc nhất trên thế giới, trong đó "bom nước" quét sạch mọi thứ trên đường đi, cướp đi hàng loạt sinh mạng.
Thảm họa chết chóc
"Trước khi lũ tới, chúng tôi nào có biết việc vỡ đập nguy hiểm tới mức nào. Trời tối đen như mực, trong tiếng mưa, tiếng gió rít, còn nghe văng vẳng tiếng hét…". Đó là trải lòng của một nạn nhân mất tới 4 người thân trong vụ vỡ đập thủy điện Bản Kiều trên sông Hoài tại tỉnh Hà Nam - Trung Quốc vào tháng 8-1975.
Sự cố mang tên "75.8" được xem là một trong những thảm họa vỡ đập kinh hoàng nhất trên thế giới này đã khiến gần 170.000 người thiệt mạng, trong đó 26.000 người chết trong lũ, số còn lại thiệt mạng do dịch bệnh và nạn đói theo sau. Nguyên nhân xuất phát từ mực nước các hồ thủy điện dâng cao quá mức sau khi bão Nina đổ bộ.
Nguyên nhân tương tự gây ra vụ vỡ đập Machchu-2 tại Morbi - Ấn Độ vào tháng 8-1979, cướp đi sinh mạng của 25.000 người. Con đập đắp bằng đất dài 4 km này có thiết kế chịu được lưu lượng 5.663 m3/giây. Thế nhưng, trận mưa lớn năm đó làm lưu lượng lên đến 16.307 m3/giây, gấp 3 lần sức chịu đựng của công trình.
Trong khi đó, sự cố xảy ra vào tháng 10-1963 ở Ý được cho là hy hữu, dù không vỡ đập hay xả đáy nhưng nước sông đã tràn qua mép đập Vajont, quét qua làng mạc bên dưới thung lũng làm ít nhất 2.000 người thiệt mạng. Thảm họa xảy ra với đập Vajont - thuộc hàng cao nhất thế giới, sau khi những khối đất đá khổng lồ sạt lở lao xuống lòng hồ thủy điện gây tràn nước.
Các thảm họa đều chứng tỏ chúng vượt quá dự tính của những người thiết kế đập thủy điện trên thế giới và hậu quả gây ra ngoài sức tưởng tượng. Theo tạp chí Nikkei Asia Review, hàng chục con đập thủy điện được lên kế hoạch xây dựng trên Mekong, dòng sông huyết mạch của vùng Đông Nam Á, sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực lớn hơn nhiều so với lợi ích từ lượng điện được tạo ra.
Việc xây dựng đập của Trung Quốc đang làm thay đổi đáng kể sinh kế trên sông Mekong. Ảnh: NIKKEI ASIAN REVIEW |
Lợi bất cập hại
Đáng lo hơn cả, việc xây dựng đập của Trung Quốc - cả trên phần thượng lưu sông Mekong và tại Đông Nam Á - đang làm thay đổi đáng kể sinh kế của hơn 60 triệu người sống phụ thuộc vào con sông dài thứ 12 trên trái đất và có số loài cá đa dạng thứ hai thế giới, chỉ sau Amazon.
Hãng tin AP hồi tháng 5 dẫn báo cáo của Viện Di sản thiên nhiên (NHI - trụ sở tại Mỹ), cảnh báo đập thủy điện Sambor tại Campuchia do Trung Quốc hỗ trợ sẽ chặn luồng cá từ Biển Hồ, đồng thời ngăn chặn trầm tích chảy xuống vùng hạ lưu. Tác động tới Việt Nam là không nhỏ khi có tới 20 triệu người sống ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào trầm tích tự nhiên của sông để trồng lúa.
Theo ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh quốc tế tại Trường ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), việc Trung Quốc đắp đập ở thượng nguồn Mekong từ lâu đã là nguy cơ địa chính trị đối với các nước ở hạ nguồn. Trong khi đó, chuyên gia Courtney Weatherby tại Trung tâm Nghiên cứu Stimson (Mỹ) cho rằng nỗ lực chia sẻ thông tin và phối hợp để cân bằng lợi ích của các nước dọc sông Mekong trở nên phức tạp hơn khi Trung Quốc đẩy mạnh xây đập tại các nước ở lưu vực thấp hơn, như Campuchia và Lào.
Báo cáo của Tổ chức Sông ngòi quốc tế cho thấy trong số 11 đập dự kiến xây trên dòng chính ở hạ lưu sông Mekong, có 6 đập được Trung Quốc hậu thuẫn. 30 đập khác ở các nhánh sông được lên kế hoạch xây dựng.
Một báo cáo do Trường ĐH Mae Fah Luang (Thái Lan) công bố năm 2017 cho thấy nếu tất cả hơn 40 đập trên sông Mekong và các nhánh được xây dựng vào năm 2030, 4 nước lưu vực thấp sẽ bị thiệt hại kinh tế lên tới 7,3 tỉ USD. Thiệt hại từ việc sụt giảm của sản lượng thủy sản đánh bắt sẽ lớn hơn lợi ích từ 110.000 GWh điện được tạo ra.
Những cảnh báo trên đã khiến nhiều nhà đầu tư khác - bao gồm phương Tây và Nhật Bản - rút lui khỏi các dự án tương tự. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ngừng tài trợ cho các dự án thủy điện trên dòng chính Mekong vì lo ngại "những tác động tiêu cực tiềm tàng", theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc bộ phận năng lượng của chi nhánh Đông Nam Á thuộc ADB.
Thu Hằng (NLĐO)