Xã hội

Tăng cường giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km. Do đó, vấn đề quản lý giảm ô nhiễm rác thải đại dương là thách thức của Việt Nam nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
 

Dự kiến thiệt hại 3,5% GDP vào năm 2035

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trước tác động tiêu cực các hoạt động phát triển của con người đến môi trường, rác thải nhựa đại dương và ô nhiễm nguồn nước dự kiến gây thiệt hại 3,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 2035, cùng với đó là dự báo biến đổi khí hậu và thiên tai sẽ ảnh hưởng tới 11% GDP của Việt Nam đến năm 2030.

Đoàn viên nhặt rác ven biển Nguyễn Tất Thành, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Đoàn viên nhặt rác ven biển Nguyễn Tất Thành, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN


Thực tế, trong quá trình tham gia khảo sát tại lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng, bà Bùi Thị Thu Hiền-điều phối viên Chương trình Biển và Vùng bờ, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam cho biết, công tác quản lý chất thải rắn còn kém hiệu quả. Việc thu gom đối với rác thải nhựa có giá trị cao (có thể thu gom, bán để tái chế) không tác động đáng kể để làm giảm phát thải nhựa tại nguồn. Mà đặc biệt nhận thức của người dân chính là lý do dẫn đến phát thải rác nhựa ra môi trường.

Cũng theo bà Bùi Thị Thu Hiền, bên cạnh việc gia tăng rác thải từ hoạt động của con người, các điểm này đẩy mạnh phát triển kinh tế, du lịch... cũng làm gia tăng phát thải. Trong khi đó, các điểm trên không có nhiều diện tích để chứa rác, kinh phí đầu tư xử lý rác thấp dẫn đến nguy cơ cao phát rác thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa ra môi trường.

Đối với khu vực nông thôn và miền núi vẫn còn tình trạng đổ rác trái phép ra đất trống, bờ sông, bờ biển trong khi biện pháp xử lý đối với các hành vi này còn rất hạn chế. Đồng thời, thói quen sử dụng túi, bao bì nhựa dùng một lần có xu hướng tăng cao do tiện lợi, giá thành thấp, dẫn đến gia tăng rác thải nhựa vào môi trường và vào các đường thủy.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng, ở khu vục này, các dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị chưa tích hợp việc phân loại nhựa, các vật liệu tái chế. Các cơ sở thu gom cũng không thu nhận vật liệu nhựa có giá trị thị trường thấp, không có giá trị. Hiện, lượng lớn rác thải rắn từ thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn đang gây ảnh hưởng đến các cộng đồng ở hạ nguồn thuộc tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng, đặc biệt là vào mùa mưa, lũ. Cùng với đó, nhận thức của người dân về rác thải đổ ra biển và ô nhiễm nhựa còn thấp; các khung quy định và chính sách nhằm hạn chế, giảm thiểu sản xuất và sử dụng nhựa (đặc biệt là nhựa dùng một lần) chưa được thực thi.

Xem xét các mối liên kết để có giải pháp

Đề xuất giải pháp ngăn chặn rác thải ở biển, điển hình ở Hội An (tỉnh Quảng Nam), theo Tiến sỹ Kiều Thị Kính-Đại Học Đà Nẵng, trước hết cần kết nối các nguồn lực từ các dự án, cơ quan quản lý, các hội-đoàn thể; thực hiện chiến lược về giảm rác nhựa; thực hiện đánh giá độc lập, giám sát định kỳ, đánh giá tính hiệu quả trong công tác giảm rác thải nhựa. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần áp dụng mô hình ký gửi đối với du khách khi đến Hội An (du khách tham gia tour cần đóng tiền bảo lãnh để được phát một số đồ dùng cá nhân thân thiện với môi trường, sau khi kết thúc tour sẽ trả lại). Bên cạnh đó, Tiến sỹ Kiều Thị Kính cũng đề xuất cần áp dụng các mô hình thí điểm như: thu gom rác theo khối lượng; mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất; “Ngôi nhà xanh của em” trong trường học; xây dựng giải pháp chi phí thấp...

Vớt rác thải nhựa trên kênh Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Vớt rác thải nhựa trên kênh Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh, TP. HCM. Ảnh: Hoàng Triều


Tầm nhìn rộng hơn, theo bà Ruth Mathews-quản lý cấp cao Viện nước Quốc tế Stockholm: Để triển khai quản lý rác thải đổ ra biển từ nguồn, vai trò trước mắt của chính phủ các quốc gia là tăng cường năng lực quản lý các hệ sinh thái nước ngọt và nước ngầm; xem xét các mối liên kết hệ thống từ nguồn tới biển và mối liên kết với các lĩnh vực khác.

Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đã đặt mục tiêu đến năm 2025, 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Tất cả các đô thị loại đặc biệt và loại I, 85% các đô thị còn lại có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình. Do vậy, để đạt được các mục tiêu trên, thời gian tới, các chuyên gia nhấn mạnh cần có hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại, công nghệ và kết cấu hạ tầng mới, đặc biệt phải có tài chính bền vững và mức thu phí chất thải hợp lý.


                                                                                                                                    HUỲNH LÊ (tổng hợp)
 

 

Có thể bạn quan tâm