Kinh tế

Tăng cường kết nối liên vùng để phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi ý Tây Nguyên cần chuyển từ “ổn định để phát triển” sang ưu tiên cho “phát triển để giữ vững ổn định… tranh thủ tối đa thuận lợi, hóa giải thách thức để đi lên”. Các chuyên gia cho rằng, để làm được điều đó, Tây Nguyên cần có những đột phá về đầu tư cơ sở hạ tầng.

 

Sáng 1/7, tại tỉnh Đắk Lắk, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, Tây Nguyên-vùng đất rộng (54.508 km2, chiếm 16,5% diện tích cả nước), người thưa (trên 5,9 triệu người, chiếm 5,1% dân số cả nước) là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước. Đây là vùng đất có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp và cây công nghiệp (cây ăn quả, cà phê, cao su, hồ tiêu, chè, điều... có diện tích lớn nhất nước); phát triển ngành công nghiệp khai khoáng (trung tâm sản xuất bauxite), năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời) khi sở hữu 3,2 triệu ha đất rừng (chiếm 21% cả nước), gần 3 triệu ha đất đỏ bazan với nhiều sông hồ tự nhiên. Tây Nguyên cũng là vùng đất mang trong mình nhiều giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc có bề dày cư trú lâu đời như Bahnar, Ê Đê, Jrai, Xê Đăng, MNông… với kho tàng văn hóa dân gian, sử thi phong phú, những nét độc đáo về kiến trúc, lễ hội, âm nhạc… mà đỉnh cao là Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hơn 20 năm thực hiện định hướng phát triển theo Nghị quyết 10-NQ/TW và hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 12-KL/TW về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên, các địa phương đã nỗ lực không ngừng phát huy nội lực, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, con người, phát triển nơi đây thành một vùng kinh tế trù phú với những thương hiệu nổi tiếng về cà phê, hồ tiêu, cao su, thủy điện, du lịch sinh thái, văn hóa…

Một trong những yếu tố góp phần làm nên kỳ tích cho Tây Nguyên những năm qua là sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh trong khu vực và với các vùng miền, các trung tâm văn hóa, du lịch, xuất khẩu lớn của cả nước. Đường Hồ Chí Minh trên cơ sở nâng cấp mở rộng quốc lộ 14; quốc lộ 24, 19, 20, 26, 28… và các sân bay Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương đã kéo Tây Nguyên xích lại gần hơn với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ. Hàng hóa của Tây Nguyên cũng nhờ đó mà dễ dàng vươn ra biển lớn.     

Tuy nhiên, bối cảnh mới đòi hỏi Tây Nguyên phải định vị lại mình với tâm thế mới. Từ chỗ “ổn định để phát triển” của vài thập kỷ trước, giờ đây, Tây Nguyên phải ưu tiên “phát triển để ổn định”, phải đi lên bền vững bằng định hướng phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dựa trên đặc trưng về con người, văn hóa, đất, nước và rừng như kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Không thể loay hoay mãi trong tấm áo hẹp. Thay vào đó, phải mở rộng không gian phát triển cho Tây Nguyên thông qua việc tăng tốc đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, mà trước hết là “hoàn thành một số tuyến đường cao tốc, nâng cấp sân bay, kết nối thuận lợi trong nước, khu vực và quốc tế”.  

Sự hẫng hụt về công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics được xem là thế yếu của Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Vì vậy, việc sớm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông hiện đại được kỳ vọng sẽ giúp Tây Nguyên và Gia Lai bứt phá. Cao tốc Pleiku-Quy Nhơn phải sớm được đầu tư trước năm 2025 và hoàn thành trước năm 2030; cao tốc phía Tây nếu được đầu tư sẽ kết nối vùng nguyên liệu dồi dào của Tây Nguyên với Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. 70% khách quốc tế đến Việt Nam là du lịch văn hóa. Các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa đang là xu hướng của du lịch hiện đại. “Con đường xanh Tây Nguyên” chỉ thực sự là tour du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế trên hành trình khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa khi Cảng Hàng không Pleiku và các sân bay trong vùng được đầu tư nâng cấp, giúp kết nối với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… và từng bước đón được các chuyến bay quốc tế.  Tuyến đường Ayun Pa-Đak Lak và quốc lộ 19E cũng cần được đầu tư để tăng cường kết nối An Khê với Phú Yên, khai thác hết tiềm năng đất đai phía Đông Gia Lai.

Trong điều kiện nguồn lực địa phương còn hạn chế, một cơ chế ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ trung ương sẽ là cú hích giúp Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển. Khi đó, Gia Lai và các tỉnh trong khu vực sẽ có những bước đi tự tin hơn, bền vững hơn trong hành trình đi lên phía trước.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

 

Có thể bạn quan tâm