Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Tăng dần tỷ lệ người Ukraine ủng hộ nhượng bộ lãnh thổ để chấm dứt xung đột

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Giận dữ, lo lắng, thất vọng rồi hy vọng là tâm trạng chung của đa số người dân Ukraine lúc này sau hai năm rưỡi nổ ra xung đột với Nga. Tất cả đều muốn sớm kết thúc chiến tranh, thậm chí chấp nhận đánh đổi ít nhiều lợi ích.
Người dân Ukraine mong muốn chấm dứt xung đột với Nga. Ảnh: Reuters

Người dân Ukraine mong muốn chấm dứt xung đột với Nga. Ảnh: Reuters

Kết quả khảo sát do Viện Xã hội học Quốc tế Kiev (KIIS) công bố ngày 23/7 cho thấy, tỷ lệ người Ukraine ủng hộ nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đổi lấy thỏa thuận chấm dứt xung đột tăng dần kể từ tháng 5/2023 đến tháng 5/2024.

Theo khảo sát của KIIS, tháng 5/2023, tỷ lệ ủng hộ và phản đối nhượng bộ lãnh thổ cho Nga lần lượt là 10% và 82%.

Tháng 12/2023, có 19% số người Ukraine được hỏi nói rằng họ ủng hộ nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đổi lấy hòa bình. Tỷ lệ phản đối quan điểm này là 74%.

Tháng 5/2024, tỷ lệ ủng hộ và phản đối nhượng bộ lãnh thổ cho Nga lần lượt là 32% và 55%.

Còn theo kết quả khảo sát của Trung tâm xã hội học Razumkov (Ukraine), 43,9% người được hỏi ủng hộ đàm phán hòa bình với Nga. Tuy nhiên, vẫn còn 35% số người được hỏi phản đối đàm phán, và 21,1% không đưa ra ý kiến.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy 22% người Ukraine ủng hộ tình trạng trung lập cho đất nước. Điều này cho thấy người dân Ukraine đang dần cởi mở hơn với các giải pháp khác nhau để chấm dứt xung đột.

Khảo sát về các phương án có thể chấp nhận được để Nga – Ukraine chấm dứt xung đột, KIIS cho biết, 62% số người được hỏi mong muốn Ukraine tái kiểm soát toàn bộ lãnh thổ (bao gồm cả Crimea), được quyền gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nhưng không gia nhập NATO.

Một phương án khác nhận được 53% tỉ lệ ủng hộ, theo đó Ukraine từ bỏ quyền kiểm soát 2 tỉnh Donetsk, Lugansk và bán đảo Crimea, nhưng nhận lại quyền kiểm soát 2 tỉnh Kherson, Zaporizhia cùng với quyền gia nhập EU, NATO.

Theo Kiev Independent, ý tưởng nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đối lấy hòa bình đang là vấn đề gây tranh cãi ở Ukraine. Nhiều người cho rằng hành động này chỉ có thể đổi lấy hòa bình nhất thời, nếu Nga có thời gian củng cố lực lượng, xung đột sẽ tiếp diễn.

Tuy nhiên, đối với Kiev, áp lực từ bên ngoài đang gia tăng.

Kết cục vẫn chưa rõ với cả Nga và Ukraine, nhưng một chiến thắng hoàn toàn cho Ukraine được cho là rất khó xảy ra. Đàm phán với Nga cũng là chủ đề cấm kỵ, bởi có thể Moscow sẽ không tuân thủ thỏa thuận và chỉ dừng tấn công để củng cố lực lượng trước khi tiếp tục cuộc chiến. Nhưng chiến sự cũng không thể kéo dài mãi.

Có thể bạn quan tâm