Xã hội

Tăng giờ làm thêm lên 72 giờ/tháng là cao!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trước đề xuất của Chính phủ về nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và mở rộng giới hạn làm thêm tối đa đến 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề, Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Chính sách - pháp luật, Tổng LĐLĐVN, thành viên Ủy ban Quan hệ lao động.  

Ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Chính sách – pháp luật, Tổng LĐLĐVN, thành viên Ủy ban Quan hệ lao động. Ảnh: Lao Động
Ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Chính sách – pháp luật, Tổng LĐLĐVN, thành viên Ủy ban Quan hệ lao động. Ảnh: Lao Động


Thưa ông, quan điểm của Tổng LĐLĐVN trước đề xuất của Chính phủ về nâng trần giới hạn làm thêm giờ trong 1 tháng và mở rộng giới hạn làm thêm tối đa đến 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề?

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, đặc biệt làm thêm giờ là vấn đề hết sức quan trọng và đã được xem xét, thảo luận kỹ lưỡng trước khi thông qua Bộ luật Lao động 2019. Mặc dù Bộ luật Lao động mới có hiệu lực thi hành từ 1.1.2021, nghĩa là thời gian áp dụng quy định mới về làm thêm giờ còn rất ngắn, song do tình hình thực tế buộc Chính phủ phải đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 tháng, trong 1 năm của người lao động. Đề xuất này nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh như vậy, Tổng LĐLĐVN đồng ý với sự cần thiết trước đề xuất của Chính phủ về nâng trần giới hạn làm thêm giờ trong 1 tháng và mở rộng đối tượng được phép làm thêm trong năm đến 300 giờ theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021 của Quốc hội. Tuy nhiên, mức nâng cụ thể và mở rộng đối tượng đến đâu cần phải thảo luận kỹ lưỡng để đảm bảo vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm sức khỏe và quyền lợi cho người lao động.

Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào trước đề xuất “nới trần” làm thêm trong tháng từ không quá 40 giờ/tháng lên 72 giờ/tháng?

- Theo Bộ luật Lao động năm 2019, có 3 loại “trần” làm thêm giờ đó là “trần” làm thêm giờ trong ngày (không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày), trong tháng (không quá 40 giờ trong 1 tháng) và trong năm (không quá 200 giờ và một số ngành nghề không quá 300 giờ).  

Với đề xuất tăng giới hạn làm thêm giờ theo tháng lên 72 giờ, tức tăng tương đương 180%, theo tôi là cao. Tôi xin nhắc lại, vấn đề làm thêm giờ đã được thảo luận rất kỹ khi xây dựng Bộ luật Lao động 2019, đã có 318 đại biểu (trên tổng số 406 đại biểu Quốc hội bày tỏ ý kiến) đồng ý quy định mức trần làm thêm trong tháng là 40 giờ. Vì vậy, việc tăng trần làm thêm trong tháng lên 60 giờ là phù hợp và hài hoà với việc tăng giới hạn làm thêm trong năm cho một số ngành nghề từ 200 giờ lên 300 giờ (cùng tăng tương đương 150%).

Vậy còn vấn đề  mở rộng giới hạn làm thêm tối đa đến 300 giờ/năm có cần giới hạn một số ngành nghề hay không, thưa ông?

- Một vấn đề vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, đó là mở rộng đối tượng được làm thêm giờ từ không quá 200 giờ đến 300 giờ/năm nhưng có cần loại trừ các nhóm đối tượng như phụ nữ mang thai, người từ 15 tuổi đến 18 tuổi, người khuyết tật, người lao động làm các ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, các ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm… hay không.

Ý kiến không muốn loại trừ đối tượng, chủ yếu dựa vào quy định của pháp luật lao động hiện hành. Bộ luật Lao động 2019 khi thiết kế giới hạn làm thêm giờ thì không giới hạn theo ngành, nghề, công việc, nặng nhọc, độc hại; ví dụ ngành dệt may, da giầy thì các đối tượng đều được làm 300 giờ/năm, không loại trừ công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tuy nhiên, những đối tượng đặc thù nêu trên là nhóm lao động có sức khỏe kém hơn, hoặc nếu lao động thì tiêu hao, tổn hại sức khỏe nhiều hơn nên cần phải được cân nhắc, bảo vệ. Vì vậy, theo tôi cần phải được loại trừ.

Vậy nới trần làm thêm giờ có nên coi là giải pháp căn bản để giải quyết việc thiếu hụt lao động hiện nay của DN hay không?

- Làm thêm giờ là vấn đề phức tạp. Khi xem xét để xác định vấn đề thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, đặc biệt là vấn đề làm thêm giờ phải tính đến nhiều yếu tố, bởi đã có nhiều nghiên cứu và bằng chứng khẳng định làm thêm giờ nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần, gia tăng bệnh tật; tăng rủi ro về an toàn lao động; năng suất lao động giảm… Vì vậy, về nguyên tắc nâng trần làm thêm giờ chỉ là giải pháp cấp bách tạm thời. Chính vì vậy, khi tham gia xây dựng hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đa số ý kiến đề nghị hiệu lực của chính sách theo hiệu lực của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội. Để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, về lâu dài, giải pháp căn cơ là phải áp dụng các biện pháp để nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện lao động nhằm thu hút lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, tổ chức Công đoàn cần quan tâm vấn đề gì?

- Với chức năng là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Công đoàn cần chủ động tham gia với các cơ quan chức năng trong tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết; đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tổng LĐLĐVN tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn nâng cao vai trò của CĐCS trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, thúc đẩy việc đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho người lao động; chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, góp phần cùng với doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.



https://laodong.vn/cong-doan/tang-gio-lam-them-len-72-giothang-la-cao-1026273.ldo


Theo Lâm Thảo (thực hiện/LĐO)

Có thể bạn quan tâm