Sức khỏe

Tăng kiểm tra, giám sát cấp cứu an toàn giao thông và khám sức khỏe cho lái xe

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngành Y tế phối hợp với ngành Công an, GTVT và chỉ đạo các Sở Y tế tỉnh, thành phố phối hợp với Công an địa phương tăng cường quản lý, giám sát việc khám và cấp giấy khám sức khỏe cho lái xe.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến hai người tử vong tại Cẩm Phả, Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến hai người tử vong tại Cẩm Phả, Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)

“Tai nạn giao thông xảy ra đã gây thương vong cho nhiều người. Thực tế tại Việt Nam, khi tai nạn giao thông, rất nhiều trường hợp khoảng thời gian 'giờ vàng' chưa được tận dụng triệt để. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nạn nhân tai nạn giao thông được sơ, cấp cứu trước khi đến bệnh viện còn thấp do hầu hết các trường hợp tai nạn xảy ra ở xa các khu vực dân cư, trên tuyến quốc lộ, tại vùng sâu, vùng xa,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết.

Nhiều trường hợp không được sơ cứu kịp thời, đúng cách

Thông tin về công tác khám và cấp cứu chung và khám, cấp cứu tai nạn giao thông năm 2023, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong năm 2023, các cơ sở y tế trong cả nước đã khám, cấp cứu tai nạn giao thông cho 487.841 trường hợp; trong đó chấn thương sọ não là 76.197 trường hợp.

Tổng số 52.135 trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông chuyển viện; 41.316 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông sau khi nhập viện, 3.068 trường hợp nạn nhân nặng xin về. Tổng số 148.889 trường hợp tai nạn giao thông có xét nghiệm nồng độ cồn trong máu...

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đánh giá, các đơn vị điều trị, cấp cứu cơ bản đã đảm bảo đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông trong dịp Lễ, Tết và các giai đoạn cao điểm.

“Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở điều trị thường xuyên được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại hóa và đồng bộ hơn để đảm bảo cho công tác cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh đã tăng cường trang bị dụng cụ, thiết bị, thuốc thiết yếu cho các Trung tâm Y tế tuyến huyện, Trạm Y tế xã, phường dọc theo các tuyến quốc lộ và các tuyến đường cao tốc đảm bảo cấp cứu tai nạn giao thông, sơ cứu tai nạn giao thông trên các quốc lộ trọng điểm,” Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng thông tin về những khó khăn, vướng mắc trong công tác khám, cấp cứu tai nạn giao thông. Đó là, theo thống kê chung, số người chết có liên quan đến rượu, bia đang có xu hướng tăng nhanh. Bên cạnh đó, tình trạng đường sá chật hẹp, xuống cấp, số lượng xe máy và các phương tiện vận tải thô sơ tăng nhanh chóng mặt... góp phần gia tăng tình trạng tai nạn giao thông.

Việc tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân tai nạn giao thông khá phức tạp. Với nạn nhân uống rượu bia, công tác này có khó khăn, áp lực hơn đối với đội ngũ y, bác sỹ như khó chẩn đoán chính xác bệnh ngay từ đầu hay còn gọi là bị “nhiễu” chẩn đoán.

Cùng với đó là áp lực từ chi phí viện phí khi người bệnh không có khả năng chi trả hoặc người bệnh không có thân nhân tại thời điểm đưa vào cấp cứu. Một số bệnh nhân và gia đình người bệnh bị tai nạn giao thông khi vào viện không hợp tác khi thực hiện xét nghiệm ma túy và nồng độ cồn trong máu...

Điều trị cho bệnh nhân tai nạn giao thông. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Điều trị cho bệnh nhân tai nạn giao thông. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

“Nhiều trường hợp do không được sơ cứu kịp thời, đúng cách vì cấp cứu tại hiện trường chủ yếu do người đi đường thực hiện, không có chuyên môn y tế hoặc không có kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu, chiếm hơn 90%; tỷ lệ được nhân viên y tế cấp cứu chỉ chiếm gần 5% và sự tham gia của hệ thống cấp cứu 115 rất hạn chế nên đã vô tình tạo ra những sai sót trong quá trình cấp cứu làm cho tình trạng nạn nhân trở nên trầm trọng hơn,” Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trăn trở.

Tăng cường cấp cứu bệnh nhân tai nạn giao thông

Để tăng cường công tác cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông, Cục Quản lý Khám chữa bệnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai công tác khám, chữa bệnh, tăng cường cấp cứu bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân tai nạn giao thông đến cấp cứu, khẩn trương kịp thời, chuẩn bị đầy đủ thuốc cấp cứu, trang thiết bị, y dụng cụ và vật tư y tế.

Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị thiết yếu trong cấp cứu ngoại viện và cấp cứu nội viện; sẵn sàng tiếp nhận sơ, cấp cứu tai nạn ban đầu, đảm bảo năng lực cấp cứu, tiếp cận nạn nhân tai nạn giao thông trong thời gian nhanh nhất kể từ khi nhận được thông tin yêu cầu cấp cứu.

“Ngành Y tế tiếp tục tăng cường kiến thức chuyên môn cho đội ngũ y bác sỹ tham gia trực cấp cứu, tăng cường trang bị dụng cụ, thiết bị, thuốc thiết yếu đảm bảo khả năng cấp cứu tai nạn giao thông theo quy định, ứng trực 24/24 giờ tại phòng cấp cứu, đảm bảo khả năng tiếp cận, cấp cứu kịp thời cho nạn nhân tai nạn giao thông khi nhận được yêu cầu,” Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế kiện toàn hệ thống cấp cứu ngoại viện, đảm bảo khả năng cấp cứu tai nạn giao thông theo quy định, ứng trực 24/24 giờ đảm bảo khả năng tiếp cận, cấp cứu kịp thời cho nạn nhân tai nạn giao thông khi nhận được yêu cầu cấp cứu.

Đồng thời, khảo sát thực trạng cấp cứu tai nạn giao thông tại các tuyến đường cao tốc thường xảy ra tai nạn giao thông đường bộ; đề xuất giải pháp, xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu hậu quả tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc, báo cáo cơ quan thẩm quyền phê duyệt...

Chú trọng nâng cao năng lực cấp cứu và hồi sức cấp cứu cho cán bộ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, Trung tâm cấp cứu tỉnh, thành phố; ban hành tài liệu cấp cứu cơ bản nạn nhân tai nạn giao thông.

Quản lý, giám sát việc khám và cấp giấy khám sức khỏe cho lái xe

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát việc khám sức khỏe lái xe, bao gồm khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe chuyên nghiệp. Đồng thời, ngành tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm Xã hội và các Bộ, ngành thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe người lái xe lên cổng dịch vụ công Quốc gia.

Ngành Y tế phối hợp với ngành Công an, Giao thông vận tải và chỉ đạo các Sở Y tế tỉnh, thành phố phối hợp với Công an địa phương tăng cường quản lý, giám sát việc khám và cấp giấy khám sức khỏe cho lái xe.

“Ngành duy trì nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo số liệu nạn nhân tai nạn giao thông được tiếp nhận, cấp cứu hàng quý về Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia theo quy định. Trường hợp xảy ra vụ tai nạn giao thông có tính chất nghiêm trọng sẽ khẩn trương có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan,” Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề xuất Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo Ban An toàn giao thông các tỉnh quan tâm triển khai hoạt động cấp cứu an toàn giao thông tại các tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và giải pháp phù hợp tình hình của từng tỉnh, thành phố.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực xử lý sơ cấp cứu các trường hợp tai nạn giao thông cho nhân viên y tế tuyến cơ sở, các cơ sở tham gia vận chuyển người bệnh, Cảnh sát Giao thông...

Các sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cấp cứu an toàn giao thông và khám sức khỏe lái xe trên địa bàn tỉnh.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề xuất Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng nền tảng công nghệ thông tin báo cáo số liệu cấp cứu tai nạn giao thông hàng tháng hàng quý...

Có thể bạn quan tâm