Xã hội

Tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng từ ngày 1/7/2021

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội.

Các bộ Trung tâm bảo trợ xã hội và công tác xã hội tỉnh Hưng Yên thăm hỏi và chăm sóc các đối tượng tại trung tâm. (Ảnh: TTXVN)
Các bộ Trung tâm bảo trợ xã hội và công tác xã hội tỉnh Hưng Yên thăm hỏi và chăm sóc các đối tượng tại trung tâm. (Ảnh: TTXVN)


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; trong đó điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1/7/2021.

Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác.

Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2021 là 360.000 đồng/tháng. Trước đó, theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 mức chuẩn trợ giúp là 270.000 đồng/tháng.

Nghị định số 20/2021/NĐ-CP nêu rõ, tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.

Tùy thuộc điều kiện kinh tế-xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồn nhân dân cùng cấp quyết định: Mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này; đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

Bên cạnh việc quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội mới, Nghị định 20/2021/NĐ-CP cũng quy định về chính sách: Trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; trợ giúp xã hội khẩn cấp; chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà ở xã hội.

Trong đó, Nghị định nêu rõ 6 hình thức hỗ trợ khẩn cấp, gồm: Hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách nhà nước; hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng; hỗ trợ chi phí mai táng; hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ khẩn cấp đối với trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các lý do bất khả kháng khác; hỗ trợ tạo việc làm, phát triển sản xuất.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm