Xã hội

Tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” là chủ đề của Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12.
Đak Tơ Pang (huyện Kông Chro) là 1 trong 30 xã của cả nước được chọn triển khai mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới. Ông Trần Ngọc Cường-Chủ tịch UBND xã-cho biết: Mô hình được triển khai từ năm 2013 đến nay với 45 thành viên tham gia. Các buổi sinh hoạt hàng tháng đã thu hút nhiều người dân trên địa bàn xã tham gia. Hưởng ứng Tháng Hành động vì bình đẳng giới năm nay, xã đã tổ chức tọa đàm, họp rút kinh nghiệm thực hiện mô hình và trao đổi kinh nghiệm về công tác dịch vụ tư vấn cho các đối tượng thành viên gồm: bí thư chi bộ, già làng, trưởng thôn, các chi hội phụ nữ. Nhờ đó, người dân nắm rõ về bình đẳng giới, những hủ tục, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn… được loại bỏ dần. 
Chị Đinh H’Nhiêu (làng Brăng) chia sẻ: “Từ khi tham gia mô hình, qua những buổi tuyên truyền về bình đẳng giới, mình đã hiểu rõ vai trò của phụ nữ trong cuộc sống gia đình. Nhận được sự sẻ chia của chồng và các con, mình mừng lắm”. Còn em Đinh Thị Nhua (làng Kpiêu Kong) vui mừng kể: “Gia đình cháu có 4 chị em gái, cháu là con út trong nhà. Từ khi bố mẹ cháu tham gia mô hình dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới đã thay đổi định kiến con gái không phải học nhiều, ở nhà lấy chồng sinh con. Nhờ vậy, bố mẹ rất ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho cháu đến trường”.
Bà Rcom Sa Duyên (bìa phải)-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tặng quà trẻ em mồ côi tại Cô nhi Sao Mai (TP. Pleiku). Ảnh: Đinh Yến
Bà Rcom Sa Duyên (bìa phải)-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tặng quà trẻ em mồ côi tại Cô nhi Sao Mai (TP. Pleiku). Ảnh: Đinh Yến
Bên cạnh đẩy mạnh truyền thông, các ngành, địa phương còn tập trung hỗ trợ an sinh, việc làm để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội học tập, lao động, tiếp thu kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình, cùng nhau hướng đến một xã hội không còn bất bình đẳng giới. Ông Lê Văn Thân-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông-thông tin: Phụ nữ và trẻ em gái chiếm gần 50% dân số toàn huyện. Thực hiện nội dung hoạt động trong Tháng Hành động vì bình đẳng giới 2021, huyện đã triển khai các hoạt động như: tặng nhà mái ấm tình thương, trao sinh kế cho phụ nữ nghèo, trẻ em gái khuyết tật. Cùng với đó, huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai dạy nghề miễn phí cho 120 phụ nữ.
Ông Nguyễn Mạnh Thùy-Trưởng thôn 1 (xã Kim Tân, huyện Ia Pa) cho hay: “Thực hiện Tháng Hành động vì bình đẳng giới, thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền đến các gia đình; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những gia đình trở về từ các tỉnh phía Nam gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Ban Công tác Mặt trận, tổ hòa giải của thôn còn nắm bắt những mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân để kịp thời hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các gia đình không xảy ra bạo lực”.
Theo bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, thời gian qua, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng-chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình thức như: tổ chức các hội thi, tọa đàm, giới thiệu sách báo, trưng bày, triển lãm nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6)… Những việc làm này góp phần tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội về phòng-chống bạo lực gia đình. Nhờ đó giúp các thành viên trong gia đình có kiến thức, kỹ năng sống, chủ động phòng ngừa sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm