(GLO)- Những năm gần đây, nền kinh tế huyện Kbang, Gia Lai luôn đạt mức tăng trưởng khá và ổn định. Kết quả này có được là nhờ sự đóng góp tích cực của cộng đồng các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn.
Theo thống kê của UBND huyện Kbang, năm 2000, huyện chỉ có 5 doanh nghiệp và 537 cơ sở, hộ kinh doanh cá thể thì đến nay toàn huyện có đến 73 doanh nghiệp và 1.926 cơ sở, hộ kinh doanh cá thể. Sự phát triển mạnh mẽ của “đội quân tiên phong” này đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 7,45%. Năm 2018, tổng vốn đầu tư của thành phần kinh tế tư nhân đạt 639 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2018 đóng góp vào ngân sách địa phương gần 13 tỷ đồng, tăng 4,28 lần so với năm 2000.
Các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn huyện tham gia Ngày hội Du lịch Kbang năm 2018. Ảnh: M.N |
Những đóng góp trên đã khẳng định vai trò của doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh cá thể trên mặt trận kinh tế cũng như trong các hoạt động xã hội, góp phần không nhỏ vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Ông Nguyễn Anh Tấn-Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Mai Hồng-cho biết: “Được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện, doanh nghiệp chúng tôi đã nỗ lực vươn lên, từng bước khắc phục khó khăn, tích cực tìm kiếm thị trường, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, doanh nghiệp đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về vị thế, thương hiệu và uy tín trên thị trường. Nhờ hoạt động kinh doanh hiệu quả nên đơn vị luôn thực hiện kịp thời nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, năm sau cao hơn năm trước. Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp đóng thuế gần 1 tỷ đồng, đồng thời giải quyết việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương với thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/tháng”.
Theo ông Tấn, ngoài sản xuất kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp Mai Hồng cũng tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cụ thể, trong 2 năm (2017-2018), doanh nghiệp đã đóng góp xây dựng 30 nhà tình nghĩa với số tiền 600 triệu đồng; làm 20 km đường giao thông nội đồng vào khu sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số các xã Đak Hlơ, Krong, Đak Rong và thị trấn Kbang.
Có thể khẳng định, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, huyện Kbang đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, từ đó tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan-Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Kbang-khẳng định: Thời gian qua, UBND huyện đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp của huyện hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, giúp họ vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định.
Cũng theo bà Lan, thời gian tới, Hội Doanh nghiệp huyện sẽ tích cực vận động doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích cực tìm kiếm thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hội cũng đề nghị UBND huyện tổ chức nhiều diễn đàn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động thuận lợi. Đồng thời, tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó, đồng hành giữa chính quyền với doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
MINH NGUYỄN