Kinh tế

Nông nghiệp

Tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây 4 năm, nhiều vườn hồ tiêu của người dân huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Để giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, huyện đã định hướng chuyển đổi cây trồng, quy hoạch các vùng chuyên canh. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 2.000 ha hồ tiêu sang cây trồng khác. Sau một thời gian, các loại cây thay thế như: sầu riêng, bơ, cam, quýt và cà phê đã cho thu nhập ổn định 200-500 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-thông tin: Để tạo bứt phá trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, quy hoạch các vùng trồng cây công nghiệp dài ngày, phát triển chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao. Theo đó, toàn huyện có 29 dự án của các doanh nghiệp đăng ký đầu tư chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, cuối năm 2021, hồ thủy lợi Plei Thơ Ga đưa vào sử dụng đã giải quyết nước tưới cho hàng ngàn héc ta cây trồng. Tận dụng lợi thế này, huyện tiếp tục thuê đơn vị tư vấn thiết kế quy hoạch để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quanh hồ thủy lợi Plei Thơ Ga và phát triển du lịch sinh thái. “Trong năm 2022, dựa trên bản đồ thổ nhưỡng, huyện xây dựng nghị quyết chuyên đề hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả. Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Tiếp tục xây dựng mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm OCOP”-ông Tứ thông tin.

Mô hình sản xuất bắp sinh khối ở huyện Ia Pa cho thu nhập cao. Ảnh: Lê Nam


Trong khi đó, đến nay, người dân huyện Kbang cũng đã chuyển đổi hơn 1.300 ha mía, mì, cà phê kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như: cam sành, quýt đường, bơ, sầu riêng, mắc ca. Ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Cây ăn quả đã mang lại lợi nhuận cao cho người dân. Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; phát huy tiềm năng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng giúp tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng. Hỗ trợ người dân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, phát triển hợp tác xã để làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
 


Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu đạt tổng giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản 33.822,5 tỷ đồng, tăng 5,74% so với năm 2021; tổng diện tích gieo trồng hơn 555.700 ha; tổng đàn trâu 14.440 con, đàn bò 453.240 con, đàn heo 550.000 con; tổng diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 15.990 ha…

Còn ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa thì cho hay: Để giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, huyện đã thuê đơn vị tư vấn xây dựng đề án đánh giá đất đai và xác định từng vùng phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người dân trên các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi công nghệ cao. Hiện có 26 doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát và lập dự án đầu tư chăn nuôi công nghệ cao với diện tích hơn 600 ha ở các xã: Pờ Tó, Chư Răng, Kim Tân. Năm 2022, huyện bố trí hơn 1 tỷ đồng để đầu tư thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Ngành Nông nghiệp đã định hướng và phát triển trên cơ sở 5 trụ cột trọng tâm. Cụ thể, phát triển cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nhất là hạ tầng thủy lợi, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, rau, hoa và dược liệu. Tập trung đầu tư trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, các trung tâm thu mua, chế biến nông sản; đào tạo kỹ thuật cho người sản xuất; hình thành các chuỗi do doanh nghiệp làm đầu chuỗi liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông-lâm nghiệp.

Cùng với đó, phát triển chăn nuôi công nghệ cao; hình thành vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với quản lý dịch bệnh và ô nhiễm môi trường; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến các sản phẩm gia súc, gia cầm lấy doanh nghiệp làm đầu chuỗi. Phát triển các sản phẩm OCOP, đẩy mạnh thành chương trình lớn, sản xuất ra các sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa, du lịch và xuất khẩu. Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu; trồng rừng theo chứng chỉ FSC; liên kết trồng rừng với các doanh nghiệp và người dân thông qua hợp tác xã; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh gỗ rừng trồng tham gia thị trường gỗ toàn cầu.
 

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm