Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Tạo niềm tin của người tiêu dùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) ở Gia Lai được hỗ trợ hoặc tự đầu tư mua tem điện tử QR Code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Việc làm này đã góp phần ngăn chặn việc làm giả, làm nhái các mặt hàng nông sản, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường; đồng thời bảo vệ thương hiệu nông sản địa phương. 
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 100 doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ hoặc tự mua tem QR Code để truy xuất nguồn gốc nông sản với số lượng trên 1,2 triệu tem. Trong đó, Trung tâm Kinh doanh VNPT Gia Lai hỗ trợ trên 964 ngàn tem; số còn lại, các cơ sở sản xuất kinh doanh tự đầu tư mua từ các đơn vị ngoài tỉnh về sử dụng. Đặc biệt, 149 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đều sử dụng tem truy xuất nguồn gốc.
Sản phẩm cam của hộ ông Nguyễn Duy Đô (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) đã được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Nguyễn Diệp
Sản phẩm cam của hộ ông Nguyễn Duy Đô (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) đã được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Nguyễn Duy Đô (làng Kop, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) cho biết: “Năm 2020, Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây có múi xã Kon Gang được Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc để gắn vào cam, quýt. Sau khi dán tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của chúng tôi được đưa vào Siêu thị Co.op Mart Pleiku và một số cơ sở bán lẻ. Việc truy xuất nguồn gốc giúp nông dân nâng cao ý thức và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm trước người tiêu dùng. Đầu năm 2021, tôi đã làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu nhà vườn Năm Đô để không bị nhầm lẫn với sản phẩm khác”.
Mới đây, UBND tỉnh đã có Công văn số 242/UBND-NL về việc tiếp tục tổ chức chợ phiên nông sản an toàn. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người sản xuất và doanh nghiệp thực hiện tốt việc sử dụng tem QR Code, mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đặc biệt là các sản phẩm rau, củ, quả, trái cây… dùng làm thực phẩm và các sản phẩm nông sản trong vùng dịch. Rà soát, thống kê các thương lái, doanh nghiệp tổ chức thu mua cần hỗ trợ về truy xuất nguồn gốc sản phẩm để tiêu thụ và hướng dẫn thực hiện theo quy định.

Tương tự, ông Huỳnh Quốc Hiệu-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bò khô Huy Vũ (thị trấn Đak Đoa) chia sẻ: “Hàng năm, tôi liên hệ mua tem truy xuất nguồn gốc ở các đơn vị có uy tín về dán trên các sản phẩm để người tiêu dùng truy xuất qua công nghệ hiện đại biết được hình ảnh, địa chỉ, số điện thoại chính xác của Công ty, không lo mua phải hàng giả. Việc này giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu trên thị trường”.

Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) cũng rất chú trọng sử dụng tem truy xuất nguồn gốc nông sản. Ông Trần Văn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX-cho hay: Khi mới thành lập, HTX mua tem truy xuất nguồn gốc về gắn vào các sản phẩm chủ lực như: trà măng tây, cà phê, tinh bột nghệ… để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc chính xác và yên tâm sử dụng. Từ khi tham gia Chương trình OCOP, HTX được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc. Qua đó, uy tín và giá trị sản phẩm được nâng lên rõ rệt.
Ông Lê Thanh Nguyên-Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Gia Lai-thông tin: Thời gian qua, đơn vị phối hợp với các Sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và PTNT, Công thương và Hội Nông dân tỉnh phổ biến, ứng dụng và hỗ trợ tem VNPT Check truy xuất nguồn gốc nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tham gia Chương trình OCOP. Việc này nhằm quảng bá, giới thiệu chất lượng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh đến người tiêu dùng trong cả nước. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục hỗ trợ tem miễn phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Công ty TNHH một thành viên Bò khô Huy Vũ (huyện Đak Đoa) tự mua tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Nguyễn Diệp
Công ty TNHH một thành viên Bò khô Huy Vũ (huyện Đak Đoa) tự mua tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Diệp
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Giang-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản-cho biết: “Việc các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm do mình làm ra là tín hiệu rất đáng mừng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn các địa phương thống kê, rà soát số lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh nông-lâm sản sử dụng tem QR Code, mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các địa phương thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản để tổ chức sản xuất an toàn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất”.  
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm