Việc Mỹ tổ chức cuộc tập trận đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) tiếp theo ở biển Đông sẽ là một bước đi thay đổi cuộc chơi.
Cuộc tập trận hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới - Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) - do Mỹ dẫn đầu vừa kết thúc hồi đầu tháng 8, sau hơn một tháng diễn ra ngoài khơi các bang Hawaii và California của Mỹ. RIMPAC lần thứ 26 này thu hút sự tham gia của nhiều tàu chiến, tàu ngầm, máy bay và quân nhân đến từ 25 quốc gia. Nội dung tập trận là trau dồi các năng lực hàng hải, từ cứu trợ thiên tai và chiến dịch an ninh hàng hải cho đến kiểm soát biển và giao tranh tiên tiến.
Giờ là lúc cân nhắc nghiêm túc về việc tổ chức RIMPAC tiếp theo, dự kiến diễn ra vào năm 2020, ở biển Đông trong bối cảnh cục diện địa chính trị đang thay đổi ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và Mỹ thực thi chiến lược quốc phòng, an ninh quốc gia "cơ bắp".
Một bước đi như thế có thể giúp đẩy lùi sự mở rộng đơn phương của Bắc Kinh tại vùng biển chiến lược này, củng cố vị thế pháp lý của phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế về vụ kiện Philippines - Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông năm 2016, nhấn mạnh tầm quan trọng toàn cầu của pháp trị và việc tuân thủ các quy tắc toàn cầu. Điều này cũng cho thấy Mỹ và các nước cùng chí hướng sẵn sàng đứng lên vì các lợi ích quốc gia và giá trị chung.
Lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia diễn tập trong khuôn khổ RIMPAC ngoài khơi bang Hawaii hôm 9-7 (Ảnh: Hạm đội TBD Mỹ) |
Kịch bản RIMPAC 2020 ở biển Đông cũng giúp giảm gánh nặng cho một số nước tham gia. Những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Israel, Anh, Pháp, Đức sẽ bớt đáng kể thời gian di chuyển đến các khu vực tập trận. Lợi ích đối với các nước tại khu vực như Philippines, Brunei, Singapore, Malaysia và Thái Lan càng lớn hơn bởi họ có thể tiếp đón lực lượng quân sự nước ngoài, từ đó đặt nền tảng cho hợp tác quốc phòng trong tương lai.
Ngoài việc khuyến khích Trung Quốc có hành vi tốt hơn, động thái trên còn có thể kiềm chế tham vọng thống trị biển Đông của Bắc Kinh và khuyến khích chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) để thách thức các tuyên bố hàng hải phi lý. Chưa hết, bước đi này còn để ngỏ cánh cửa mời Trung Quốc trở lại RIMPAC chừng nào nước này chịu tuân thủ các quy tắc tham gia và ứng xử của cuộc tập trận này, nhất là không mang theo tàu do thám.
Nếu chấp nhận lời mời, Bắc Kinh coi như ngầm thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2016 không phải là "mớ giấy lộn" như từng mô tả và chấp nhận lập trường pháp lý của Mỹ. Trái lại, nếu Bắc Kinh không chấp nhận lời mời, điều này càng làm suy yếu hơn nữa vị thế toàn cầu và khu vực của họ và khiến các nước láng giềng không khỏi có đánh giá rằng quốc gia này là một thế lực gây bất ổn khu vực.
Một khi RIMPAC diễn ra ở biển Đông, Trung Quốc sẽ xem tập trận là hành động thách thức khiêu khích đối với "tuyên bố chủ quyền không tranh cãi" của họ ở biển Đông và tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy trong hòa bình của họ. Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh sẽ cản trở và ép buộc những nước tham gia tập trận tiềm tàng. Do đó, Mỹ sẽ phải cần đến nỗ lực ngoại giao nghiêm túc để thuyết phục các nước trong và ngoài khu vực tham gia.
Phải thừa nhận việc tổ chức RIMPAC 2020 ở biển Đông là một bước đi táo bạo. Chính quyền Tổng thống Donald Trump là chính quyền đầu tiên của Mỹ nghiêm túc thách thức Trung Quốc, nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ. Dù vậy, bước đi này sẽ chỉ mang lại tác dụng nếu nó là một phần của nỗ lực đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu, bao gồm các mặt trận kinh tế, ngoại giao và quốc tế nhằm khẳng định nền pháp trị và các lợi ích quốc gia. Nếu đơn thuần chỉ tiến hành tập trận, sẽ không có nhiều nước tham gia do nỗi lo về phản ứng giận dữ của Trung Quốc sau đó.
Câu hỏi đặt ra là liệu có thực sự là một sự thay đổi mạnh mẽ và lâu dài trong tư duy và hành vi của Mỹ đối với Trung Quốc. Cơ sở cho hy vọng không phải không có: Mỹ rút lời mời Trung Quốc dự RIMPAC 2018 và gây áp lực thương mại thực sự lên Bắc Kinh. Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đang bị "soi" chặt chẽ hơn và Washington đang thúc đẩy nỗ lực phát triển công - tư ở châu Á và châu Phi để cung cấp lựa chọn kinh tế tốt hơn so với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Nếu Mỹ nói rõ sự thay đổi trên vẫn tiếp tục duy trì trong các chính phủ tiếp theo, những quốc gia cùng chí hướng khác có thể tham gia RIMPAC 2020 ở biển Đông. Trong trường hợp toàn bộ cuộc tập trận này không thể diễn ra ở biển Đông sau 2 năm nữa, một phần sự kiện này vẫn có thể được tiến hành tại đó với những nội dung khả dĩ như huấn luyện chống cướp biển ở gần Indonesia. Nếu đi từng bước một và không thoái lui, toàn bộ RIMPAC hoặc phần lớn cuộc tập trận này có thể diễn ra ở biển Đông vào năm 2022 hoặc 2024.
Phương Võ
(lược dịch theo Tạp chí National Interest/nld)