Xã hội

Đời sống

Tập trung cải thiện chỉ số xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuy cả 4 chỉ số thành phần đều tăng điểm nhưng Gia Lai vẫn chưa thể lọt vào top 30 tỉnh, thành dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Hiện tỉnh đang tập trung cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần PGI năm 2024.

Chỉ số PGI lần đầu tiên được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào năm 2022 và trở thành khảo sát thường niên nhằm đánh giá, xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh. Theo đó, các nội dung khảo sát gồm: mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

tap-trung-cai-thien-chi-so-xanh-dd.jpg
Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 300 m3/ngày đêm. Ảnh: H.D

Theo ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Năm 2022, Gia Lai còn nhiều bỡ ngỡ, chưa có sự chuẩn bị cũng như chưa nắm rõ các nội dung để triển khai tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp về chỉ số PGI. Vì vậy, chỉ số PGI của tỉnh chỉ đạt 13,52 điểm, xếp thứ 52/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sang năm 2023, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Gia Lai đã tiếp cận và triển khai các hoạt động cần thiết nhằm cải thiện các chỉ số thành phần của PGI.

Năm 2023, VCCI chỉ xếp hạng và công bố vị trí các địa phương nằm trong top 30 PGI (các địa phương còn lại chỉ thông báo điểm số, không xếp hạng). Dù không nằm trong top 30 nhưng các chỉ số thành phần PGI của Gia Lai đều tăng điểm so với năm 2022. Cụ thể, chỉ số thành phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đạt 5,42 điểm (tăng 1,47 điểm so với năm 2022); chỉ số đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu đạt 5,86 điểm (tăng 1,38 điểm); chỉ số vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh đạt 4,02 điểm (tăng 0,42 điểm); chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường đạt 4,73 điểm (tăng 3,23 điểm).

Dù điểm số tăng chưa nhiều song cũng phần nào cho thấy tỉnh đã có nhiều nỗ lực để cải thiện chỉ số PGI. Toàn tỉnh hiện có hơn 10.350 doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư khi triển khai dự án trên địa bàn tỉnh, yêu cầu đặt ra là phải thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường. Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai (236A Lê Duẩn, TP. Pleiku) là một trong những đơn vị triển khai rất tốt vấn đề này. Thạc sĩ Nguyễn Thi-Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai-cho biết: Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện có khoảng 1,5 tấn rác thải sinh hoạt, 60-100 kg rác thải y tế nguy hại. Số rác thải sinh hoạt, Bệnh viện đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai thu gom mỗi ngày. Đối với rác thải y tế nguy hại, Bệnh viện ký hợp đồng với 1 doanh nghiệp tại Bình Định để thu gom, xử lý. Bệnh viện cũng đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 300 m3/ngày đêm.

Tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku), Công ty Phát triển hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh cũng xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 2.000 m3/ngày đêm. Ông Trần Xuân Thắng-Giám đốc Công ty-cho hay: “Hiện Khu Công nghiệp có 63 dự án đầu tư, trong đó, gần 50 dự án đã đi vào hoạt động. Công ty thường xuyên kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện đảm bảo theo quy định”.

2doanh-nghiep-yen-tam-san-xuat-kinh-doanh-tai-khu-cong-nghiep-tra-da-anh-ha-duy.jpg
Doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp Trà Đa. Ảnh: Hà Duy

Không chỉ các doanh nghiệp mà công tác bảo vệ môi trường, xây dựng “cuộc sống xanh” lành mạnh cũng được lan tỏa mạnh mẽ tới nhiều người dân trên địa bàn tỉnh. Dễ thấy là thời gian gần đây, số lượng người đi xe máy điện, ô tô điện ngày càng nhiều. Anh Nguyễn Hoàng Nam (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) chia sẻ: “Để phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày, tôi quyết định mua 1 chiếc ô tô điện nhằm chung tay bảo vệ môi trường. Trước đó, tôi cũng sử dụng xe máy điện. Tôi mong từ những việc rất nhỏ như vậy cũng có thể góp phần chung tay xây dựng môi trường xanh, nhất là khi TP. Pleiku đặt ra mục tiêu trở thành “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số PGI năm 2024 và các năm tiếp theo. Mục tiêu đề ra trong năm 2024 là cải thiện chỉ số PGI từ 20,03 điểm lên 21,95 điểm (tăng 1,92 điểm so với năm 2023, ngang bằng với số điểm của tỉnh đứng ở vị trí thứ 30 năm 2023). Cụ thể, phấn đấu chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tăng 0,73 điểm; chỉ số đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu tăng 0,35 điểm; chỉ số vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh tăng 0,56 điểm; chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường tăng 0,28 điểm.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể tương ứng với 4 chỉ số thành phần của PGI. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân mua sắm “xanh”, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động, đầu tư mới phải đầu tư, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng theo quy định tại Điều 51 và Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; 100% khu công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong quá trình chuyển đổi xanh...

Có thể bạn quan tâm