Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Tàu chiến Mỹ, tàu kiểm ngư Việt Nam, tàu Hải Dương 4 xuất hiện gần nhau ở Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hình ảnh do Hải quân Mỹ công bố cho thấy tàu USS Gabrielle Giffords và một tàu kiểm ngư Việt Nam đã cùng xuất hiện tại khu vực tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động dưới sự hộ tống của một tàu hộ vệ tên lửa.

 
 USS Gabrielle Giffords tăng tốc tiến tới khu vực tàu kiểm ngư Việt Nam (số 2) đang chạm trán với tàu Hải Dương 4 (số 1) - Ảnh: US NAVY
USS Gabrielle Giffords tăng tốc tiến tới khu vực tàu kiểm ngư Việt Nam (số 2) đang chạm trán với tàu Hải Dương 4 (số 1) - Ảnh: US NAVY



Các hình ảnh được công bố ngày 2-7 cho thấy không chỉ có USS Gabrielle Giffords xuất hiện gần tàu Trung Quốc ngày 1-7 tại một khu vực không xác định trên Biển Đông.

Một bức ảnh toàn cảnh được chụp từ trên cao khác cho thấy có 4 tàu trong vụ việc. Ngoài tàu chiến Mỹ còn có một tàu kiểm ngư của Việt Nam và hai tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu hộ vệ tên lửa.

Các bức không ảnh do Mỹ công bố cho thấy một tàu kiểm ngư Việt Nam (không rõ số hiệu) thuộc lớp tàu tuần tra KN-750 dường như đã cơ động chắn ngang đường tàu Trung Quốc có thể tiến tới.


 

Tàu Hải Dương 4 (số 1) bị tàu kiểm ngư Việt Nam (số 2) chắn trước mặt trong lúc tàu chiến Mỹ chạy cắt đuôi - Ảnh: US NAVY
Tàu Hải Dương 4 (số 1) bị tàu kiểm ngư Việt Nam (số 2) chắn trước mặt trong lúc tàu chiến Mỹ chạy cắt đuôi - Ảnh: US NAVY


Ít nhất hai hình ảnh được chụp từ trực thăng hoặc thiết bị bay không người lái của USS Gabrielle Giffords cho thấy có vẻ như tàu tuần tra của Việt Nam đã bám đuổi tàu Trung Quốc trước khi tàu Mỹ xuất hiện.

Dựa trên vệt nước trên mặt biển, USS Gabrielle Giffords dường như đã tăng tốc và cắt ngang đội hình của tàu Trung Quốc trước khi so kè với tàu Hải Dương 4. Một hình ảnh khác cho thấy tàu hộ vệ tên lửa của hải quân Trung Quốc đã di chuyển sau hành động của tàu Mỹ.


 

Không ảnh toàn cảnh cho thấy có ít nhất 4 tàu xuất hiện gần nhau ngày 1-7 gồm tàu hộ vệ tên lửa (số 1) và tàu Hải Dương 4 (số 2) của Trung Quốc, tàu kiểm ngư lớp KN-750 của Việt Nam (số 3) và tàu chiến Mỹ - Ảnh: US NAVY
Không ảnh toàn cảnh cho thấy có ít nhất 4 tàu xuất hiện gần nhau ngày 1-7 gồm tàu hộ vệ tên lửa (số 1) và tàu Hải Dương 4 (số 2) của Trung Quốc, tàu kiểm ngư lớp KN-750 của Việt Nam (số 3) và tàu chiến Mỹ - Ảnh: US NAVY



Dữ liệu hàng hải trên trang Marine Traffic cho thấy tàu khảo sát của Trung Quốc đã chuyển hướng khỏi khu vực và tăng tốc về phía bắc chỉ một ngày sau vụ việc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra bình luận.

Đây không phải là lần đầu tiên tàu khảo sát Trung Quốc tiến xuống Biển Đông. Giới học giả nhận định không chỉ khảo sát dầu khí, các tàu khảo sát Trung Quốc còn tranh thủ vẽ bản đồ đáy biển cho tàu ngầm hoạt động.

Một số thông tin trên báo quốc tế nói Hải Dương 4 đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 2-7, khi được hỏi về hoạt động của tàu Hải Dương 4 của Trung Quốc trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Chúng tôi cho rằng các hoạt động thăm dò, khảo sát phải có sự đồng ý của Việt Nam, phù hợp công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982).

Việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực biển đông, trong khu vực cũng như trên thế giới".


 

 Hình ảnh cho thấy tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc (khoanh đỏ) cơ động sau khi bị tàu Mỹ cắt ngang đội hình - Ảnh: US NAVY
Hình ảnh cho thấy tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc (khoanh đỏ) cơ động sau khi bị tàu Mỹ cắt ngang đội hình - Ảnh: US NAVY



USS Gabrielle Giffords không hề xa lạ với Trung Quốc. Đây là tàu đã đối đầu với tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng đội tàu hộ tống của nó khi các tàu này được cho là quấy rối tàu khoan dầu khí của Malaysia trên Biển Đông hồi tháng 5.

Hải quân Mỹ xác nhận USS Gabrielle Giffords đã hoạt động gần tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 1-7. Con tàu đang trong giai đoạn triển khai luân phiên tới khu vực nhằm tăng cường tác tương tác giữa Mỹ với đối tác và phục vụ như một lực lượng sẵn sàng phản ứng nhanh.

USS Gabrielle Giffords thuộc lớp tàu Independence và là tàu chiến đấu ven bờ đầu tiên được trang bị tên lửa chống hạm. Khác với các tàu khu trục, thiết kế của các tàu thuộc lớp Independence cho phép chúng cơ động nhanh nhẹn tại các vùng nước nông trên Biển Đông.

Truyền thông nhà nước và các học giả Trung Quốc đã chỉ trích tàu chiến Mỹ gây hấn trên Biển Đông, cáo buộc Washington đang áp đặt tiêu chuẩn kép với Bắc Kinh.


 

Một tàu kiểm ngư thuộc lớp KN-750 của Việt Nam thử nghiệm trên biển - Ảnh chụp màn hình
Một tàu kiểm ngư thuộc lớp KN-750 của Việt Nam thử nghiệm trên biển - Ảnh chụp màn hình


Lầu Năm Góc lên án Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa

Rạng sáng 3-7 (giờ Việt Nam), Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát đi thông cáo lên án cuộc tập trận 5 ngày của Trung Quốc ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Thông cáo nhấn mạnh hành động của Trung Quốc đang làm "mất ổn định hơn nữa Biển Đông" và "vi phạm cam kết của các bên trong Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)".

Lầu Năm Góc khẳng định những hành động của Trung Quốc đang trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó "tất cả các quốc gia dù lớn nhỏ đều được đảm bảo chủ quyền, không bị cưỡng ép và có quyền theo đuổi phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và luật pháp quốc tế".

Thông cáo kết thúc bằng lời cảnh báo Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi các động thái của Trung Quốc "với mong muốn Bắc Kinh sẽ giảm quân sự hóa và cưỡng ép các bên ở Biển Đông".


Theo DUY LINH (TTO)

Có thể bạn quan tâm