(GLO)- Chiều 3-1, tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên của Việt Nam mang tên Hà Nội-HQ182 đã vào quân cảng Cam Ranh thuộc Vùng 4 Hải quân đóng tại Vịnh Cam Ranh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa an toàn.
Tàu ngầm Hà Nội-HQ 182 vào quân cảng Cam Ranh an toàn. Ảnh: Bình Nguyên |
Quan sát từ xa quá trình lai dắt tàu ngầm Hà Nội-HQ182, cho thấy: Sáng 3-1, tàu vận tải chuyên dụng Rolldock Sea chở tàu ngầm Hà Nội-HQ182 được bơm nước vào khoang để đánh chìm một phần thân tàu, nhằm đưa tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam tiếp nước Vịnh Cam Ranh. Bên cạnh tàu chuyên dụng Rolldock Sea có hai tàu lai dắt đưa tàu ngầm Hà Nội-HQ182 ra khỏi tàu Rolldock Sea.
Đến chiều 3-1, tàu ngầm Hà Nội-HQ182 đã được lai dắt vào quân cảng Cam Ranh an toàn. Trong suốt quá trình lai dắt, hàng chục chuyên gia, kỹ sư vẫn có mặt trên tàu ngầm Hà Nội-HQ182. Hình ảnh mang lại nhiều cảm xúc nhất là Quốc kỳ Việt Nam đã tung bay trên tàu ngầm Hà Nội-HQ182.
Như Gia Lai Online đã đưa tin, ngày 1-1, tàu vận tải chuyên dụng Rolldock Sea chở tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên của Việt Nam mang tên Hà Nội đã thả neo an toàn tại vịnh Cam Ranh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Cảng Cam Ranh là chặng dừng chân cuối cùng trong quá trình di chuyển kéo dài gần một tháng rưỡi của tàu chuyên dụng Rolldock Sea, bắt đầu từ thành phố cảng St Peterburg của Liên bang Nga.
Được biết, Việt Nam ký hợp đồng mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo vào tháng 12-2009 trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Moskva. Ngoài việc đóng tàu ngầm, hợp đồng còn bao gồm cả quy trình đào tạo thủy thủ đoàn, cũng như cung cấp các trang-thiết bị và kỹ thuật cần thiết. Các tàu ngầm Kilo 636 Nga đóng cho Hải quân Việt Nam thuộc thế hệ tàu ngầm phi hạt nhân thế hệ thứ 3, có công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Tàu ngầm này có lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, lặn sâu đến 300 mét, thủy thủ đoàn gồm 52 người. Vũ khí trang bị cho tàu ngầm Kilo 636 cũng thuộc loại hiện đại nhất hiện nay, đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam. Tàu ngầm Kilo 636 nổi tiếng với khả năng hoạt động êm, khó bị phát hiện nên có biệt danh “lỗ đen trong đại dương”.
Bình Nguyên