Tàu rô bốt tự hành Vityaz của Nga đã lặn xuống đáy Rãnh Mariana ở Thái Bình Dương và cắm phao biểu tượng mừng Ngày chiến thắng phát xít Đức lần thứ 75, tại vực sâu nhất thế giới.
Tàu rô bốt Vityaz vừa lặn xuống Rãnh Mariana - Ảnh: Cơ quan chỉ đạo Các dự án nghiên cứu tiên tiến của Nga |
Điểm sâu nhất trong lần lặn của tàu rô bốt Vityaz được ghi nhận là 10.028 m, theo Hãng RT hôm 9.5 dẫn thông tin của Cơ quan chỉ đạo Các dự án nghiên cứu tiên tiến của Nga.
Trên lý thuyết, tàu rô bốt của Nga vẫn có thể tiếp tục lặn sâu hơn nữa để chạm đáy của Rãnh Mariana ở độ sâu tối đa 11.034 m. Tuy nhiên, đội ngũ nghiên cứu đã chọn một địa điểm có nhiều không gian hơn để thám hiểm.
Với thành tựu trên, tàu rô bốt Vityaz của Nga đã gia nhập nhóm các tàu lặn của thế giới có thể đạt đến độ sâu dưới 10.000 m, bao gồm tàu Kaiko và ABISMO của Nga, Haidou-1 (Trung Quốc), Nereus (Mỹ).
Cơ quan chỉ đạo Các dự án nghiên cứu tiên tiến của Nga cho hay không giống như các phương tiện khác vốn là tàu lặn được điều khiển từ xa (ROV), Vityaz là tàu hoàn toàn tự hành được thiết kế để tự hoạt động trong môi trường biển sâu.
Sứ mệnh của Vityaz là một phần của các cuộc thử nghiệm năng lực dành cho các tàu lặn thế hệ mới của Nga. Những nhà sáng chế tàu lặn cho hay nó có thể hoạt động trong môi trường áp suất ở độ sâu 12.000 m, nếu thật sự có vực sâu như thế trên địa cầu.
Bộ não điện tử của Vityaz được trang bị các thuật toán trí thông minh nhân tạo để phát hiện và tránh các chướng ngại vật, đồng thời di chuyển được trong môi trường có không gian bị giới hạn.
Về khía cạnh ứng dụng tàu lặn trên trong lĩnh vực quân sự, giới truyền thông Nga đưa ra khả năng Vityaz sẽ được kết nối với các trạm quan sát nằm sâu trong lòng biển.
Dù hải quân Nga vẫn hết sức kín miệng về những dự án dạng này, RT nêu lên ý tưởng Nga có thể vận dụng trạm quan sát biển sâu để theo dõi và phát hiện tung tích của tàu ngầm địch ở những độ sâu mà các phương tiện thông thường vô phương hoạt động.
Theo Phi Yến (thanhnien)