Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Tàu Trung Quốc lấn vào Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản tính đến "nổ súng trực tiếp"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) có thể nổ súng trực tiếp nhằm vào tàu nước ngoài xâm phạm quần đảo tranh chấp Senkaku trên biển Hoa Đông, các thành viên của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền khẳng định hôm 25-2 sau cuộc họp với giới chức chính phủ.

Quần đảo Senkaku hiện do Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Trung Quốc tháng rồi bắt đầu thực thi luật hải cảnh mới, cho phép hải cảnh nước này sử dụng vũ khí nhằm vào tàu nước ngoài bị Bắc Kinh xem là xâm phạm các vùng biển do họ đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Trong cuộc họp nêu trên, theo Kyodo, giới chức chính phủ Nhật Bản đã xác minh sự diễn giải của họ đối với các bộ luật hiện hành.

Theo giới chức chính phủ Nhật Bản, JCG có thể nổ súng nhằm vào tàu thuyền nước ngoài trong khuôn khổ của luật hiện hành thông qua việc xem nỗ lực xâm phạm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là hành vi phạm tội bạo lực.


 

Quần đảo Senkaku hiện do Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Ảnh: Reuters
Quần đảo Senkaku hiện do Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Ảnh: Reuters



Giới chức chính phủ Nhật Bản trước đây khẳng định JCG chỉ được nổ súng trực tiếp nhằm vào tàu thuyền nước ngoài trong trường hợp tự vệ và thoát hiểm khẩn cấp, bởi việc sử dụng vũ lực chống lại tàu thuyền nước ngoài là hành động đi ngược lại Hiến pháp từ bỏ chiến tranh, cũng như các chính sách định hướng quốc phòng của Nhật Bản.

Đây là lần đầu tiên giới chức chính phủ đề cập khả năng nổ súng của JCG đối với tuần thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh thổ Nhật Bản, theo ông Taku Otsuka, một thành viên của LDP.

Sự diễn giải luật nêu trên xuất hiện trong bối cảnh Nhật Bản ngày càng lo ngại về những hành vi của Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Năm ngoái, các tàu hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp này khoảng 2 lần/tháng. Kể từ khi Luật Hải cảnh Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1-2, tần suất này đã tăng lên 2 lần/tuần, JCG khẳng định.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thể hiện sự "quan ngại sâu sắc" đối với đạo luật này, nói rằng nó có thể làm lung lay trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.


 

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide phản đối mọi hành vi đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng của biển Hoa Đông. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide phản đối mọi hành vi đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng của biển Hoa Đông. Ảnh: Reuters


Theo Cao Lực (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm