TN - Đất & Người

Tây Nguyên đối diện với khô hạn như thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ cuối năm 2018 tới nay,lượng mưa ít, nước của các con sông, dòng suối xuống thấp, tới thời điểm này, các tỉnh Tây Nguyên đã chính thức đối diện với nguy cơ khô hạn. Vì vậy, việc tìm thêm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho cả vùng là rất quan trọng.
Ít mưa làm tăng nguy cơ hạn hán
Đầu tháng 3/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2018-2019, đáng chú ý nhất là các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên.
Mùa khô ở các tỉnh Tây Nguyên thường kéo dài từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Theo dự báo, trong thời gian còn lại của mùa khô (tháng 3-4/2019), lượng mưa phổ biến tại khu vực ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 30 – 70%. Mùa mưa được dự báo chỉ có thể chính thức bắt đầu từ khoảng tháng 5. Trong khi đó, miền nhiệt phổ biến ở mức cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm khoảng 0,5 – 1,0 độ C.
 
Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, mùa khô đến sớm hơn mọi năm
Với tình hình nguồn nước hiện nay và thông tin dự báo khí tượng, thủy văn ở khu vực Tây Nguyên, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước vào thời gian cuối mùa khô với tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng khoảng 30.000ha (gồm 26.000ha cây lâu năm và 4.000ha lúa, màu). Trong đó tỉnh Kon Tum khoảng 1.000ha, Gia Lai 8.000ha, Đắk Lắk 10.000ha, Đắk Nông 5.000ha, Lâm Đồng 5.000ha…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng hạn hán, thiếu nước ở các tỉnh Tây Nguyên năm 2019 ở mức “hạn nhẹ”, thời điểm ảnh bị hưởng cao nhất vào cuối mùa khô (từ giữa đến cuối tháng 4/2019).
Đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu là cây trồng lâu năm nằm ngoài vùng công trình thủy lợi phụ trách tưới (hiện công trình thủy lợi chỉ bảo đảm tưới được gần 21% diện tích canh tác ở khu vực Tây Nguyên). Trường hợp nắng nóng xảy ra liên tiếp ở mức độ cao hơn dự báo, tình trạng hạn hán sẽ tăng cao hơn.
Đắk Nông hiện có 626 ha lúa và hoa màu bị thiếu nước tưới. Các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên chưa xảy ra hạn hán, nhưng dấu hiệu thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt đã khá rõ.
Từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên phổ biến dưới 30mm, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 15%. Trong khi đó, tổng dung tích trữ của các hồ chứa tại Tây Nguyên hiện chỉ đạt 64%, thấp hơn 9,5% so với trung bình nhiều năm.
Vai trò của các nhà máy thủy điện
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, nắng nóng tiếp tục kéo dài và không có mưa, khả năng sẽ có hơn 1.000 ha cây trồng các loại tại tỉnh Gia Lai bị hạn. Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Lắk, đến thời điểm hiện tại, mực nước tại các hồ chứa chỉ còn khoảng 50% so với dung tích thiết kế, trong đó đã có 9 hồ đập cạn kiệt. Do vậy, dự báo đến cuối vụ Đông Xuân, các huyện Ea Kar, Krông Bông, Krông Pác, Cư M’gar, Buôn Ðôn, Ea Súp, Krông A Na có thể xuất hiện hạn hán trên diện rộng.
Tại các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên (Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Nông), tình hình khô hạn chưa thực sự gay gắt nhưng dự báo cho thấy, nếu tiếp tục không mưa thì tình hình cũng sẽ khó khăn.
Để bảo đảm chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn; tiếp tục thực hiện việc dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước ở các vùng/lưu vực sông, kịp thời cảnh báo cho người dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo các địa phương và người dân trong vùng chủ động sử dụng các vùng trũng, thấp để tích trữ nước; tổ chức nạo vét, đào ao, khoan giếng, ưu tiên dành nước tưới cho các giai đoạn cần thiết cho sự sinh trưởng của cây trồng và tăng cường sử dụng các biện pháp nông nghiệp để phòng, chống hạn hán.
 
Các địa phương cần có nhiều phương án ngắn và dài hạn để chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước
Về dài hạn, cần đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cấy trồng từ lúa sang loại cây trồng có nhu cầu nước thấp; kiểm soát chặt chẽ để hạn chế việc canh tác ngoài quy hoạch, nhất là ở vùng không chủ động cung cấp nguồn nước.
Phân phối nguồn nước trong công trình thủy lợi hợp lý để bảo đảm cho cả mùa khô, khi xảy ra thiếu nước, phải ưu tiên cung cấp cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm. Xây dựng lịch điều tiết các hồ chứa thủy điện để phục vụ thủy lợi khi xảy ra hạn hán, thiếu nước. Đồng thời, tăng cường áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, trong đó có biện pháp tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới luân phiên…
Một trong những vấn đề cần đặt ra và thực hiện quyết liệt, chính là việc điều tiết nước tưới tiêu phục vụ sản xuất từ những đập, hồ thủy điện. Tại khu vực Tây Nguyên, thời gian qua đã hình thành nhiều đập, hồ thủy điện phục vụ cho các nhà máy thủy điện.
Trong nhiệm vụ, chức năng của mình, thì chủ các hồ, đập thủy điện cũng phải tham gia điều tiết nước cho khu vực. Thực tế cho thấy, khi vào mùa mưa, lượng nước dâng lên nhanh chóng thì không ít hồ thủy điện lại tiến hành xả lũ, gây ngập những vùng xung quanh và hạ du, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân.
Trong khi đó, vào mùa khô, lượng nước ít thì các nhà máy thủy điện lại tiến hành tích trữ nước. Với lý do cần đủ nước chạy máy phát điện nên nhiều nhà máy đã không thực hiện việc xả nước để điều tiết nước cho khu vực, trong khi người dân lại rất cần.
Vì vậy, muốn có được điều này thì rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, trong việc thống nhất kế hoạch với các nhà máy thủy điện. Đồng thời, các nhà máy thủy điện cũng cần thấy trách nhiệm của mình phục vụ cộng đồng, giải quyết tình trạng thiếu nước vào mùa khô cho khu vực mình đứng chân.
* Theo dự báo, trong thời gian còn lại của mùa khô (tháng 3, 4/2019), lượng mưa phổ biến tại khu vực Tây Nguyên ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 30 – 70%. Trong khi đó, nền nhiệt độ phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5 – 1,0 độ C.
Khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước vào thời gian cuối mùa khô với tổng diện tích cây trồng toàn vùng bị ảnh hưởng khoảng 30.000ha. Đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu là cây trồng lâu năm nằm ngoài vùng công trình thủy lợi phụ trách tưới (hiện công trình thủy lợi chỉ bảo đảm tưới được gần 21% diện tích canh tác ở khu vực Tây Nguyên).
Theo Thu Hoài (Moitruong.net.vn)

Có thể bạn quan tâm