TN - Đất & Người

Tây nguyên loạn giống chanh dây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vùng Tây nguyên với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, chỉ ít năm trở lại đây nông dân đã phát triển, trồng hàng ngàn ha chanh dây. Song nguồn cung cây giống với sự nhập nhèm về giá cả, nguồn gốc… đang là thực tế gây lo ngại.
Giá, giống tù mù
Quy định của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN - PTNT) nêu rõ: Giống cây trồng từ nước ngoài nhập khẩu vào VN, nhất thiết phải được sự đồng ý của cục này thông qua “Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu”. Đáng nói, từ tháng 9.2020 đến nay, chưa có doanh nghiệp nào được Cục BVTV chấp thuận bằng văn bản cho phép nhập khẩu giống chanh dây có xuất xứ từ Đài Loan nhưng ở các tỉnh Tây nguyên, nhiều địa điểm, đại lý kinh doanh giống cây trồng đến các trang Facebook vẫn công khai quảng cáo bán giống chanh dây Đài Loan.
Liên lạc với một trang Facebook rao bán giống chanh dây ở thị xã Buôn Hồ (Đăk Lăk), chị H.., người xưng là chủ đại lý giống chanh dây này cho biết, nguồn gốc giống chanh dây mà đại lý đang rao bán có xuất xứ từ Đài Loan. Chị H. nói: “Anh yên tâm đi. Giống bên em bán cho nhà vườn ở Chư Sê, Chư Pưh bên Gia Lai từ nhiều vụ rồi, bên đó họ tin tưởng lắm! Một thùng 100 dây giống, em khuyến mãi thêm 2 dây là 102 dây, giá 3 triệu đồng. Mua số lượng lớn thì bên em giảm còn 2,7 triệu/thùng”.
Lần theo một trang Facebook khác có địa chỉ M.K rao bán giống chanh dây, một phụ nữ nghe điện thoại tự giới thiệu là chủ đại lý nhưng không nêu tên, địa chỉ cụ thể mà chỉ cho biết là ở Đăk Lăk và nói: “Đại lý bên em ship hàng cho khách có nhu cầu về giống chanh dây ở tất cả các tỉnh”. Người này cũng khẳng định: “Giống được ghép từ giống thực sinh là cây chanh vàng, ghép với giống của Đài Loan trong nhà lưới, rất đảm bảo chất lượng. Về giá cả thì cứ mỗi một thùng 102 dây giống có giá 1,7 triệu đồng. Nếu mua sỉ với số lượng nhiều thì giá có thể giảm xuống còn 1,5 triệu đồng/thùng."

sdasdad
Hàng chục ngàn nông dân Tây nguyên chọn chanh dây là cây trồng chính
Ông Nguyễn Văn Tuấn, một nông dân ở thị trấn Ia Kha, H.Ia Grai (Gia Lai) cho biết: “Tôi mua 300 cây chanh dây từ một đại lý chanh ở TP.Pleiku với giá 34.000 đồng/cây để trồng 6 sào. Cũng nghe họ giới thiệu giống tốt, nguồn gốc của Đài Loan thì mua thôi. Giờ chanh đã bắt đầu cho trái. Mới bắt đầu thu nên năng suất chưa biết sao. Nông dân như chúng tôi thì luôn muốn mua giống đảm bảo chất lượng”.
Mỗi đại lý, nhà vườn đều giới thiệu nguồn gốc giống từ Đài Loan nhưng giá thì lại chênh nhau từ 1,3-1,5 triệu đồng. Một sự thật có vẻ bất thường! Còn nông dân chỉ biết nhắm mắt mua liều, phó thác cho may rủi.
Cơ quan chức năng cần vào cuộc
Theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích chanh dây đang được phát triển mạnh ở các tỉnh vùng Tây nguyên như Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Đăk Lăk với diện tích trên 3.000 ha. Chanh dây những niên vụ vừa qua được mùa, được giá nên đã được nông dân ưu tiên chọn trồng. Hiện đầu tư trồng 1 ha chanh dây tốn khoảng 70-100 triệu đồng, sau 5-7 tháng là đã cho thu hoạch, vòng đời khoảng 3 năm. Với năng suất dao động từ 70-90 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lợi từ 500-600 triệu/ha. Với mức giá này, nhiều nhà vườn đã có thu nhập ổn định từ chanh dây. Do vậy, không ít nông dân mở rộng diện tích chanh dây. Song với sự nhập nhằng của các đại lý bán giống, nông dân rất khó có thể xác định được giống thật, giống giả, và đâu là giá cả hợp lý nhất.

Công ty Cổ phần Quốc tế Thông Đỏ có trụ sở ở TP.HCM đã đầu tư hơn 1 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất giống đạt tiêu chuẩn ở H.Chư Pưh (Gia Lai). Ảnh: Trần Hiếu
Công ty Cổ phần Quốc tế Thông Đỏ có trụ sở ở TP.HCM đã đầu tư hơn 1 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất giống đạt tiêu chuẩn ở H.Chư Pưh (Gia Lai). Ảnh: Trần Hiếu
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, nói: “Về giống chanh dây, trước đây đa số là giống Đài Nông 1 được nhập từ Đài Loan về để sản xuất. Đây là giống đủ chuẩn, đã được Bộ NN-PTNT kiểm soát về mặt chất lượng. Muốn nhập vào trong nước phải có sự đồng ý và cấp phép của Cục Bảo vệ thực vật. Chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra tại các cơ sở sản xuất giống, các hợp tác xã và các cơ sở kinh doanh giống. Nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm thì sẵn sàng xử lý triệt để với mục đích không để ảnh hưởng đến tình hình sản xuất chung của tỉnh, đến vấn đề sâu bệnh sau này, đặc biệt là gây ảnh hưởng trực tiếp đến bà con nông dân”.
Cũng theo ông Đoàn Ngọc Có, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, từ giống gốc là giống Đài Nông 1 có xuất xứ từ Đài Loan, sau này được một số doanh nghiệp lớn ghép và tạo ra các loại giống mới, được cấp chứng nhận là giống đầu dòng, đảm bảo chất lượng khi đưa ra thị trường. “Qua quá trình kiểm tra giám sát, có thể nói giống này tương đối tốt, đưa vào sản suất cho hiệu quả cao cả về năng suất, chất lượng quả lẫn việc kháng sâu bệnh”, ông Có nói.
Có một thực tế là giống chanh dây được rao bán trên thị trường được giới thiệu là giống chanh dây có xuất xứ từ Đài Loan, nhưng giá cả lại mỗi nơi mỗi khác, chất lượng cũng khó thẩm định. Một số nông dân ở Gia Lai từ hai năm trước đã mua phải giống chanh dây ít quả hoặc không ra quả phải phá bỏ vườn. Vì vậy, vấn đề này rất cần có sự quản lý, kiểm tra nghiêm ngặt của cơ quan chuyên môn để đảm bảo quyền lợi cho những cơ sở sản xuất giống uy tín, đảm bảo người nông dân có vườn chanh dây chất lượng cao.
Theo Trần Hiếu (TNO)

Có thể bạn quan tâm