TN - Đất & Người

Tây Nguyên - Nơi những dòng sông đi qua (kỳ 1)

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

LTS: Xuôi theo những dòng sông ở Tây Nguyên là để trải nghiệm và hiểu biết thêm về đời sống lịch sử, văn hóa của cư dân trên vùng đất này.

Trầm tích ấy cùng với sự bồi đắp, khai mở của các cộng đồng, dân tộc ở đây qua mỗi chặng đường phát triển đã vẽ nên gương mặt Tây Nguyên từ trong quá khứ đến hiện tại và tương lai thêm lắng sâu, sinh động trong cảm nhận của mọi người.

Kể từ số báo này, Đắk Lắk Cuối tuần khởi đăng loạt bài dài kỳ: "Tây Nguyên - Nơi những dòng sông đi qua". Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Kỳ 1: Đồng Nai, nhìn về phía thượng nguồn

Bây giờ đang là tháng tư, trên hành trình về vùng chiến địa xưa - từ đỉnh dốc Khỉ, tôi thỏa mắt ngắm nhìn không gian khoáng đạt đang mở ra phía trước với đại ngàn mênh mang, để cho dòng cảm xúc hòa về với những tháng ngày oanh liệt trên vùng đất Cát Tiên…         

Phía thung sâu, dòng sông Đồng Nai lượn lờ trôi bình yên qua những buôn làng nơi cuối đất Lâm Đồng, đầu Đồng Nai và Bình Phước. Dòng sông như một dòng chảy ký ức chứa trong lòng biết bao trầm tích, hoài niệm sống động về những năm tháng gian lao mà anh dũng. Cửa ngõ chiến khu D là đây. Vùng chiến địa một thời mà ta và địch tranh chấp từng gốc cây, ngọn cỏ... Cát Tiên cũng từng là giao điểm quan trọng trên con đường hành lang chiến lược Bắc - Nam trong những ngày chống Mỹ. Năm tháng cũ hằn in lên những cánh rừng, những ngọn núi, những buôn làng vô vàn câu chuyện về chiến công và lòng quả cảm của quân dân vùng chiến khu xưa.


 

Ngày hội truyền thống của đồng bào các dân tộc xã Anh hùng Đồng Nai thượng.
Ngày hội truyền thống của đồng bào các dân tộc xã Anh hùng Đồng Nai thượng.


Không ai có thể lãng quên, một thời thượng nguồn sông từng là chiến địa ác liệt trên hành trình các lực lượng ta vượt dòng Đồng Nai về với đồng bằng. Những bậc cao niên như Điểu K’Khen, Điểu K’Lộc còn thuộc tên, nhớ mặt các cán bộ, chiến sĩ Đoàn C.200 cùng đồng bào các dân tộc anh em nếm mật, nằm gai làm nhiệm vụ bảo vệ đường hành lang chiến lược, sản xuất lương thực, xây dựng cơ sở cách mạng, đánh địch để mở rộng vùng giải phóng. Đây cũng là địa bàn đặt đại bản doanh của Khu ủy khu VI trong những năm đánh Mỹ. Anh Đặng Văn Hòa, hướng dẫn viên của cụm Di tích lịch sử Khu VI anh hùng dẫn chúng tôi tham quan mô hình các cơ quan khu bộ và nhà truyền thống. Những mái nhà lá giữa núi rừng bình yên, những hiện vật lặng lẽ giữa không gian tĩnh mịch mà như đang kể lại sống động những câu chuyện về một thời hào hùng ấy.
 


Lịch sử đã lựa chọn mảnh đất nhỏ bé bên dòng Đồng Nai để trao những trách nhiệm nặng nề, để gửi gắm niềm tin son sắt. Núi vẫn đó, sông vẫn đây và ký ức về một thời oanh liệt vẫn hiện hữu trong quần thể di tích Khu VI anh hùng.

Rất nhiều trong số hiện vật mà khu di tích trưng bày là những vũ khí hiện đại được sản xuất từ Hoa Kỳ từ hơn nửa thế kỷ trước. Những khẩu pháo, súng bộ binh, bom, mìn các loại mà địch từng sử dụng nhằm hủy diệt vùng căn cứ. Còn phía ta, trước khi quân chủ lực về, vũ khí diệt thù của các đội du kích người Mạ, S’tiêng chỉ là chông tre, bẫy đá, cây dao, chiếc nỏ đi rừng. Anh Hòa kể, sau ngày khánh thành khu di tích, nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo các cơ quan Khu ủy cũ hoặc người thân của họ đã mang đến hiến tặng những kỷ vật đã được lưu giữ từ thời chiến tranh.

Chúng tôi đứng lặng trước bức chân dung Bác Hồ kính yêu mà Ban tổ chức Khu ủy treo trong phòng làm việc từ năm 1969. Bản “Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” đã bợt chỉ, sờn gáy, nét in rô-nê-ô phai mực. Rồi chiếc ống nhòm của đồng chí Trần Lê, nguyên Bí thư Khu ủy sử dụng trong những lần thị sát chiến trường. Và rất nhiều hiện vật khác như những chứng tích lặng lẽ kể về những năm tháng gian khổ, can trường.

Đứng trên đỉnh đèo Bờ xa Lu xiêng, ánh mắt tôi như được trải rộng cùng đại ngàn tít tắp với dòng sông Đồng Nai lấp lóa dưới thung lũng mờ xa. Xứ sở đầu nguồn mang tên Đồng Nai Thượng, quê hương ngàn đời của đồng bào Mạ, S’tiêng đến bây giờ vẫn nằm giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên. Đường nhựa lớn mở về đây từ nhiều năm trước. Các công trình điện, trường học, trạm y tế, chợ búa khang trang. Những vườn điều, rẫy cà phê, cao su và ruộng lúa mát mắt bên hồ thủy lợi.

 

Tượng đài Chiến thắng tại Khu di tích lịch sử Khu VI anh hùng.
Tượng đài Chiến thắng tại Khu di tích lịch sử Khu VI anh hùng.


Lần này tôi về thì người quen cũ, lão ông Điểu Đoi - tổng già làng của tất cả năm buôn: Bù Gia Rá, Bi Nao, Đạ Cọ, Bù Sa, Bê Đê đã tạ thế hơn năm. Người già S’Tiêng đã bỏ lại trần gian 112 tuổi đời và gần 57 tuổi Đảng buông gót chân trần về “cõi Mang Lung”. Về Đồng Nai Thượng, tôi lại nhớ về ông. Điểu Đoi như một nhân chứng của thời gian vượt hai thế kỷ. Đại thọ về tuổi tác, ông cũng là gốc đại thụ tinh thần, đã từng kinh qua nhiều trọng trách với cách mạng, với buôn làng: là đội viên du kích, là chiến sĩ bộ đội, là bí thư chi bộ, là tổng già làng. Hình ảnh của cuộc đời ông là hiện hữu của bao mùa chinh chiến, nếm mật nằm gai, đói cơm lạt muối, không tiếc máu xương cho hòa bình về trên quê hương.

Lật cuốn “Lịch sử xã Đồng Nai Thượng”, danh sách thế hệ những cán bộ, du kích tham gia kháng chiến chống Pháp từ thời già Điểu Đoi còn là người chỉ huy hầu hết đã về với đất mẹ thượng nguồn. Hơn 120 chiến binh quả cảm của năm buôn trong xã từng được biên chế vào các đơn vị bộ đội trong thời chống Mỹ, nay kẻ còn người mất, người tham gia công tác ở địa phương, người chí thú với cuốc cày, ruộng rẫy. Những ngôi nhà mà tôi đến thăm, trên vách tường nhiều nhà treo đầy huân, huy chương, bằng khen ghi nhận chiến công. Không ít gia đình ở Đồng Nai Thượng đặt ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của mình tấm bằng “Tổ quốc ghi công”.      

Tham gia không biết bao nhiêu trận đánh, mang trên mình nhiều di chứng chiến tranh, nhưng người phụ nữ nổi tiếng với những chiến công quả cảm mà tôi gặp hôm nay vẫn nở tươi nụ cười.

Chị là Điểu Thị Lôi, tên thường gọi Năm Lôi, người được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 2 và đứng trong hàng ngũ của Đảng từ năm 18 tuổi. Chị cũng từng là đại biểu Quốc hội khóa VI, ngay sau ngày nước nhà thống nhất.

Chị Năm Lôi kể, khoảng cuối những năm 1960, làng buôn của chị là vùng đứng chân và hoạt động của Khu ủy nên kẻ thù luôn tổ chức càn quét, hòng tiêu diệt. Chúng lập sân bay dã chiến ngay giữa rừng Bờ xa Lu xiêng, dùng trực thăng vận mang khí tài, chiến xa lên đây để đánh phá căn cứ, lùng bắt cán bộ và chặn con đường hành lang chiến lược.

Cựu dũng sĩ diệt Mỹ hào hứng kể về một trận đánh in sâu trong ký ức thời cầm súng của mình: “Một đêm, nắm được tin có cán bộ ta vào buôn móc nối với đồng bào, địch cho quân vây ráp với âm mưu thảm sát cả buôn làng. Trước tình hình hết sức hiểm nguy, cán bộ kháng chiến và đội du kích đã mai phục đánh chặn hậu cho bà con tản vào rừng lánh nạn.

Địch xua quân truy kích nhưng không bắt và giết được người nào, nhưng khoảng một giờ sau, chúng quay lại bắn đàn gia súc. Tiếc tài sản của buôn làng, bác Điểu Đoi và tôi đã quay lại nã súng vào đội hình địch và xua đàn trâu, bò chạy vào rừng sâu. Tôi và bác Điểu Đoi chỉ có hai khẩu súng trường nhưng vẫn thay nhau nhả đạn và luồn lách trong rừng để dụ địch sa xuống hầm chông. Trận ấy, chúng tôi diệt được mười tên địch!”…

Tôi thả bộ bước chân xuống mép nước đầu nguồn dòng sông mẹ Đồng Nai và ngước nhìn đỉnh núi Bờ xa Lu xiêng. Tôi mãi nhớ về xứ sở này với những con người của một thế hệ từng đi qua chiến tranh, họ không tiếc máu xương cho sự bình yên của làng buôn đại ngàn, lấy mục tiêu độc lập, tự do của Tổ quốc làm lẽ sống đời mình. Ký ức của họ về một thời binh lửa vẫn như còn tươi mới, dù hòa bình đã trở về trên quê hương gần nửa thế kỷ qua.

 

(Còn nữa)



--------------

Kỳ 2: Sêrêpốk - Đời sông, đời người



Theo Uông Thái Biểu (baodaklak)

Có thể bạn quan tâm