Với địa hình đồi dốc có nhiều đèo cao, khu vực Tây Nguyên luôn tiềm ẩn những mối nguy về sạt lở đất, đá. Chính quyền các tỉnh trong khu vực đã triển khai nhiều giải pháp cảnh báo sớm và chủ động ứng phó để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các công trình xây dựng trên địa hình đồi dốc tại Đà Lạt tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Ảnh: ĐOÀN KIÊN |
Nhiều điểm xung yếu
Sau hơn 4 tháng xảy ra vụ sạt lở đất khiến chính quyền địa phương phải di dời khẩn cấp 3 hộ dân tại đường Lê Hồng Phong, phường 4 (TP Đà Lạt), gia đình bà Bùi Thị Thanh Hà vẫn bỏ hoang căn nhà 2 tầng bị đất đè sập, chưa thể quay về ở.
Tại thời điểm trước khi xảy ra vụ sạt lở, trên địa bàn TP Đà Lạt xuất hiện mưa lớn khiến một đoạn taluy cao khoảng 20m, dài 10m phía sau (taluy âm) của căn nhà ở đường Ngô Thì Sỹ bị trượt xuống. Vụ sạt lở làm hàng chục mét khối đất bị trượt và cuốn theo 2 cây xanh đường kính gốc 30 - 40cm, cao 15 - 20m đổ ập vào nhà 27E, hẻm 27, đường Lê Hồng Phong…
Thời điểm xảy ra sự cố, may mắn không xảy ra thương vong. Chỉ sau đó ít ngày, cũng tại con hẻm này tiếp tục xảy ra một vụ sạt lở khác khiến một đoạn taluy cao 4m, dài 16m bị trượt. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã di dời hơn 30 du khách đang lưu trú tại khách sạn phía trên và di dời các hộ dân trong diện có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Tại TP Đà Lạt các khu dân cư được hình thành trên những khu vực có địa hình đồi dốc, những mối nguy luôn rình rập mỗi khi xuất hiện mưa lớn kèm gió lốc... Thống kê của TP Đà Lạt, từ đầu năm 2019 đến nay, địa phương thiệt hại trên 4 tỷ đồng do thiên tai gây ra.
Ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng phòng Kinh tế TP Đà Lạt, cho biết, các vụ sạt lở gần đây ở Đà Lạt phần lớn xảy ra cục bộ tại các công trình xây dựng dân sinh, các bờ taluy. Một số trường hợp khác do mưa lớn khiến cây xanh bị ngã đổ.
Còn tại Kon Tum, nhiều nơi, đường sá, khu dân cư xây dựng ngay những triền đồi núi nên khi vào mùa mưa, tình trạng sạt lở xảy ra đe dọa cuộc sống của người dân. Ghi nhận tại Km5, tỉnh lộ 675 (đoạn qua xã Ngọc Bay, TP Kon Tum), một lượng đất đỏ khổng lồ từ triền đồi đổ ập xuống phủ một phần lề đường khiến việc đi lại qua đây gặp khó. Đáng lo hơn nữa, bên trên quả đồi bị sạt lở, đất còn nhiều và mềm nên có nguy cơ tiếp tục sạt lở nếu mưa trút xuống. Khu vực này nối từ TP Kon Tum vào huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum).
Tương tự, tuyến tỉnh lộ 674 nối từ xã Sa Sơn sang xã Mo Ray (huyện Sa Thầy), một số nơi vẫn đang sạt lở và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngược lên đường tránh Măng Rơi (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), con đường được đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang bị đất đá từ taluy dương đổ ụp xuống, vùi lấp một số phần đường.
Ông Phan Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cho biết, ngành chức năng đã cho khảo sát tại các khu dân cư, xác định đường nội thôn dẫn vào thôn 7, thôn 8, nếu mưa lâu dài sẽ có khả năng bị sạt lở. Xã liên tục cử người đi kiểm tra, đồng thời đặt biển để cảnh báo người dân.
Tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), theo phương án ứng phó thiên tai năm 2020, qua kiểm tra, rà soát, xác định có 198 điểm, khu vực trọng điểm, xung yếu, công trình… dễ bị tổn thương do thiên tai. Trong đó, công trình giao thông có 72 điểm, công trình thủy lợi có 47 điểm, khu dân cư có 31 điểm, trường học có 14 điểm, 10 trụ sở cơ, quan đơn vị, 24 khu sản xuất… có nguy cơ sạt lở.
Theo báo cáo, trong cơn bão số 6 và các đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua, đã có 1 nhà dân tại thôn Đắk Viên (xã Tê Xăng) bị sạt lở đất cách nền nhà 0,5m; thôn Tam Rin mới (xã Ngọc Yêu) xảy ra 2 điểm sạt lở taluy dương phía sau nhà dân, khối lượng đất đá tràn xuống khoảng 2m³.
Chủ động cảnh báo sớm
Ông Nguyễn Hà Lộc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, cho biết, ngay trước mùa mưa, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức rà soát những khu vực có nguy cơ sạt lở hoặc từng gây sạt lở như dọc tuyến quốc lộ 27C (đoạn qua Lâm Đồng), đèo Bảo Lộc, đèo Prenn, mới đây là đèo trên quốc lộ 20 đoạn qua xã Xuân Trường, Xuân Thọ…
Cũng theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, địa phương đã lắp đặt 26 trạm ghi nhận mưa tự động trải đều toàn tỉnh kết nối thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Sau khi cài đặt, mỗi người dân có thể cập nhật từng giờ lượng mưa tại gần khu vực mình sinh sống để chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất.
Ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, cho biết, từ các nhóm xung yếu, ngành chức năng đưa ra các tình huống giả định về bão lũ để lên phương án xử lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Năm nay, huyện đẩy mạnh thành lập các lực lượng xung kích gồm: công an, xã đội và người dân ở thôn, kết quả đã phát huy tác dụng. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, tắc đường, chỉ vài tiếng đồng hồ thì lực lượng này đã khơi thông tạm để thông xe.
Theo ĐOÀN KIÊN - HỮU PHÚC (SGGPO)