TN - Đất & Người

Tây Nguyên với khát vọng hướng về phía biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tây Nguyên được coi là một trong những vùng kinh tế động lực của cả nước. Mỗi năm khu vực này làm ra hàng triệu tấn hàng hóa nông sản các loại, trong đó có một số mặt hàng chiến lược phục vụ xuất khẩu như cà phê, cao su, ca cao, mật ong, ngô lai...

Vì thế việc vận chuyển lượng hàng hóa ấy về các cảng biển vùng duyên hải miền Trung - Nam Trung Bộ luôn là thách thức lớn đối với các tỉnh trên địa bàn. Để từng bước giải quyết thách thức đó, việc quy hoạch, xây dựng và nâng cấp những tuyến đường nối Tây Nguyên với đồng bằng đã được Chính phủ và chính quyền các địa phương quan tâm, nỗ lực thực hiện.

Trên địa bàn Tây Nguyên hiện đang có hai phương thức vận tải chính là đường bộ và hàng không. Trong đó vận tải đường bộ đóng vai trò quan trọng nhất với tổng chiều dài hơn 11.430 km (bao gồm cả quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nội vùng). Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), mật độ giao thông trên địa bàn này tương đối cao so với cả nước; mạng lưới giao thông đường bộ ở đây cũng được phân bố khá hợp lý, tạo sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng, cũng như các cửa khẩu quốc tế và các cảng biển quan trọng ở đồng bằng duyên hải miền Trung - Nam Bộ. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển với tốc độ tăng trưởng cao trong xu thế hội nhập mạnh mẽ hơn với cả nước và quốc tế, giao thông vùng Tây Nguyên cần phải được liên tục đầu tư, nâng cấp đồng bộ và hoàn thiện hơn nhằm tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm này phát triển ổn định, bền vững, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mình.


 

Quốc lộ 14 - tuyến đường nối Đắk Lắk với các tỉnh duyên hải miền Trung. Ảnh: Hoàng Gia
Quốc lộ 14 - tuyến đường nối Đắk Lắk với các tỉnh duyên hải miền Trung. Ảnh: Hoàng Gia


Từ đánh giá và nhận định đó, bắt đầu từ năm 2010, Chính phủ đã có chủ trương quy hoạch, đầu tư hệ thống giao thông đường bộ cho Tây Nguyên một cách khẩn trương và mạnh mẽ. Theo báo cáo của Bộ GTVT, qua hai giai đoạn (2010 - 2015 và 2016 - 2020), Chính phủ đã bố trí khoảng 109.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu, ODA để đầu tư đồng bộ các tuyến đường huyết mạch như các Quốc lộ 14, 26, 20, 19, 27, 25, 24, 26, 28, 28B, 29, 55, 40, 40B và tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 1.380 km, nhằm nối Tây Nguyên với các đô thị lớn và cảng biển vùng duyên hải miền Trung - Nam Bộ, phục vụ cho việc giao thương thuận lợi giữa các vùng lâu nay được coi là tách biệt với hành lang kinh tế Bắc - Nam.

Cũng trong thời gian này, nhiều cung đường quan trọng khác như Quốc lộ 28 (từ cao nguyên Di Linh - Phan Thiết); Quốc lộ 27 (Buôn Ma Thuột - Lâm Đồng - Ninh Thuận) và một số đoạn xung yếu trên Quốc lộ 14 (nối Kon Tum - Quảng Ngãi đến cảng nước sâu Dung Quất) đã được xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Đặc biệt tuyến đường 14B và 14C (trùng với đường Hồ Chí Minh) đi qua một số tỉnh Tây Nguyên, trong đó đoạn từ Đắk Zôn - Ngọc Hồi - Tân Cảnh (Kon Tum) đến ngã ba Đông Dương, nơi có cửa khẩu quốc tế Bờ Y được đầu tư xây dựng với quy mô hai làn xe đã hoàn thành, mở ra hành lang giao thông rộng lớn cho cả khu vực Bắc Tây Nguyên. Từ đó rút ngắn khoảng cách giữa vùng đất này với các tỉnh miền Trung theo Quốc lộ 40 (xuôi về các cảng biển Kỳ Hà, Tiên Sa - Đà Nẵng), đồng thời mở rộng cánh cửa giao thương của Tây Nguyên với các tỉnh bạn Nam Lào và Đông bắc Thái Lan.

Cũng trong thời gian này, nhiều cung đường quan trọng khác như Quốc lộ 28 (từ cao nguyên Di Linh - Phan Thiết); Quốc lộ 27 (Buôn Ma Thuột - Lâm Đồng - Ninh Thuận) và một số đoạn xung yếu trên Quốc lộ 14 (nối Kon Tum - Quảng Ngãi đến cảng nước sâu Dung Quất) đã được xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Đặc biệt tuyến đường 14B và 14C (trùng với đường Hồ Chí Minh) đi qua một số tỉnh Tây Nguyên, trong đó đoạn từ Đắk Zôn - Ngọc Hồi - Tân Cảnh (Kon Tum) đến ngã ba Đông Dương, nơi có cửa khẩu quốc tế Bờ Y được đầu tư xây dựng với quy mô hai làn xe đã hoàn thành, mở ra hành lang giao thông rộng lớn cho cả khu vực Bắc Tây Nguyên. Từ đó rút ngắn khoảng cách giữa vùng đất này với các tỉnh miền Trung theo Quốc lộ 40 (xuôi về các cảng biển Kỳ Hà, Tiên Sa - Đà Nẵng), đồng thời mở rộng cánh cửa giao thương của Tây Nguyên với các tỉnh bạn Nam Lào và Đông bắc Thái Lan.


 

Đèo Phượng Hoàng. Ảnh: Ngọc Tâm
Đèo Phượng Hoàng. Ảnh: Ngọc Tâm


Điều đáng quan tâm nhất là trong năm 2019, hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai đã đề đạt nguyện vọng lên Trung ương xây dựng cao tốc nối Tây Nguyên với đồng bằng. Đó là tuyến cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa và Gia Lai - Bình Định nhằm rút ngắn thời gian đi lại từ hai vùng, góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội cho vùng đất giàu tiềm năng này. Nguyện vọng ấy đã được Bộ GTVT chấp thuận, trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào kế hoạch xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Rõ ràng, việc hoàn thiện từng bước mạng lưới giao thông trên địa bàn Tây Nguyên đã biến khát vọng vươn về phía biển ngày càng hiện thực hóa, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.

 


Định hướng đến năm 2030, Tây Nguyên cần nghiên cứu, xây dựng tuyến đường sắt nối các tỉnh trong khu vực, cũng như kết nối các cảng biển với chiều dài khoảng 907km, gồm đoạn Đắk Nông - Chơn Thành; Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột; Đắk Nông - Bình Thuận và Đà Nẵng - Kon Tum - Đắk Lắk - Bình Phước. (Nguồn: Bộ GTVT).


https://baodaklak.vn/kinh-te/202202/tay-nguyen-voi-khat-vong-huong-ve-phia-bien-d723e80/
 

Theo ĐÌNH ĐỐI (baodaklak)

Có thể bạn quan tâm