Sống trẻ - Sống đẹp

"Tên tôi là Gia Lai"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bạn đã bao giờ tự hỏi như thế nào là một cái tên đẹp, bạn có thích cái tên của mình không? Ngẫm nghĩ một chút sẽ thấy, phía sau những cái tên luôn có ý nghĩa nào đó mà khi bố mẹ quyết định đặt cho con đã ít nhiều gửi gắm.

Cô gái có đôi mắt sáng, thông minh và giọng nói hơi nhanh. Tuy nhiên, khi giới thiệu tên, cô lại rất chậm rãi, rành mạch: “Tên tôi là Gia Lai”. Trong cách nói của cô còn có đôi chút tự hào.

 

Bạn trẻ Nguyễn Thị Gia Lai. Ảnh: H.N
Bạn trẻ Nguyễn Thị Gia Lai. Ảnh: H.N

Dường như đã quen với sự tò mò của người khác mỗi khi nghe giới thiệu tên, cô gái sinh năm 1996 mang cái tên đặc biệt này giải thích thêm: “Tôi sinh vào đúng ngày 17-3 nên bố mẹ đã chọn cái tên này như một dấu mốc kỷ niệm, vừa là ngày giải phóng của tỉnh, vừa là ngày sinh con gái. Anh trai tôi cũng mang cái tên ý nghĩa là Quốc Khánh khi sinh ra đúng vào ngày 2-9. Còn em trai tôi tên Thanh Minh vì sinh ra vào đúng tiết Thanh Minh. Bố tôi kể, ngày dự sinh của em trai tôi là 17-3, trùng với ngày sinh của tôi, nên bố mẹ đã đặt sẵn tên con là Nguyễn Tấn Pleiku. Nhưng em ấy lại chào đời muộn mất 3 ngày (20-3) nên “hụt” mất cái tên đó, nếu không gia đình tôi sẽ có đầy đủ tên của tỉnh và thành phố cao nguyên này”.

Mang cái tên khá đặc biệt nên suốt tuổi thơ đi học và cả sau này đi làm, Gia Lai đã gặp không ít những chuyện vừa buồn vừa cười. Cô kể: “Hồi học Tiểu học, bạn bè chọc ghẹo tôi suốt vì cái tên. Tôi không hiểu vì sao mọi người lại gọi tôi là “già làng”, rồi đủ thứ tên bản địa khác nhau. Bản thân tôi cũng không thích tên “Lai” cho lắm. Tôi thích cái tên nghe nữ tính hơn. Tôi đã về nằng nặc xin bố mẹ được đổi tên. Bố tôi giải thích rằng, không phải ai cũng được sinh ra vào một ngày đặc biệt và mang cái tên ý nghĩa như vậy. Sau đó, bố đã kể cho tôi nghe về ngày 17-3 và nói rằng, mọi người dân Gia Lai đều rất tự hào về ngày này”.

Thêm một điều khiến cô bé Gia Lai được an ủi và ngày càng yêu quý cái tên cha mẹ đặt cho, ấy là khi được cô giáo dạy Ngữ văn gỡ nỗi “ấm ức” cho mình. “Cô giáo tôi giải thích Gia Lai chính là vùng đất lâu đời ở Tây Nguyên với bề dày văn hóa độc đáo, hấp dẫn. Già làng là cách gọi trang trọng dành cho người uy tín, đứng đầu trong cộng đồng. Khi nhắc đến Gia Lai, người ta thường nhớ tới những dấu ấn văn hóa bản địa như vậy. Lời giải thích của cô đã khiến tôi ý thức được nhiều thứ phía sau cái tên của mình. Từ đó, tôi luôn cảm thấy mình thật đặc biệt vì mang một cái tên nhiều ý nghĩa như vậy”-Gia Lai chia sẻ.

Anh Nguyễn Tấn Thành (hẻm 58 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku), bố của Gia Lai, cũng chính là người có ý tưởng đặt cho con những cái tên độc đáo ấy, chia sẻ: “Có sự trùng hợp ngẫu nhiên khi các con tôi đều sinh vào các ngày lễ của tỉnh, của đất nước nên mới có cớ để đặt tên con như vậy. Trước hết để các con và cả chúng tôi dễ nhớ ngày sinh. Hơn nữa, tôi mong các con hãy luôn ghi nhớ những sự kiện trọng đại, ý nghĩa của tỉnh, của dân tộc”.

Anh Thành cho biết thêm, anh quê gốc ở Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), lên Gia Lai từ năm 1987 và làm việc trong ngành xây dựng. Anh có thời gian dài làm việc ở Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Ia Pa. “So với khí hậu khắc nghiệt của quê hương Quảng Nam thì Gia Lai là vùng đất tuyệt vời, khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Tôi yêu vùng đất này ngay từ những ngày đầu lên đây. Cả 2 vợ chồng tôi không sinh ra, lớn lên ở Gia Lai nhưng có thời gian dài gắn bó với vùng đất này, gặp nhau và nên duyên vợ chồng cũng ở chính nơi đây nên Gia Lai đã trở thành quê hương thứ 2 của chúng tôi. Đặt tên con như vậy cũng là cách để ghi nhớ nơi đã mang lại cho chúng tôi nhiều thứ quý giá, ý nghĩa”-anh Thành xúc động cho hay.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm